Quốc hội thảo luận tại tổ: Cần chú ý đến tính hiệu quả của quản lý tài chính

Thứ bảy, 22/10/2016 18:10
(ĐCSVN) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Đồng thời, đại biểu Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

 

Đại biểu Phan Thanh Bình (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên họp . (Ảnh: Bích Liên)

Thảo luận tại tổ về Báo cáo Kế hoạch tài chính 5 năm, nhiều đại biểu cho rằng, Báo cáo Kế hoạch tài chính 5 năm của Chính phủ đã nêu lên những vấn đề cụ thể. Các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nhóm giải pháp thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm và nhấn mạnh thêm một số giải pháp như: triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp về quản lý ngân sách nhà nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế; quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ bội chi; đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng tái cơ cấu đầu tư công; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Các đại biểu cũng cho rằng, trong 5 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách về tài chính - ngân sách nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, nhờ đó vừa động viên nguồn lực, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và giải quyết tốt hơn các chính sách an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Việc quản lý ngân sách nhà nước có nhiều tiến bộ, từng bước cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý thuế, hải quan, kho bạc nhà nước. Công tác quản lý tài sản công có nhiều đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên cần rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính.

Đại biểu Phan Thanh Bình (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, phải nhìn thấy được tốc độ phát triển của các nước trong khu vực, đặc biệt phải chú ý đến tính hiệu quả của quản lý tài chính. Đại biểu đặt câu hỏi: Hiện nay chúng ta vẫn nói tập trung phát triển công nghiệp là chính. Vậy thử hỏi chúng ta đã có ngành công nghiệp nào mạnh, từ công nghiệp ô tô, thực phẩm chế biến…? Theo đại biểu Bình, vấn đề quản lý tài chính của Việt Nam chưa rõ nét, chưa thể hiện được cần phải tập trung chiến lược tạo nguồn, nuôi nguồn như thế nào?

Ở một góc độ khác, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan  (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trong hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, Chính phủ đã có những nỗ lực điều tiết và sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành vẫn chưa tự chủ được vấn đề tài chính. Bởi vậy, Chính phủ cần có những hướng dẫn cụ thể phân cấp về tài chính.

Nói thêm về vấn đề tái cơ cấu kinh tế, đại biểu Phong Lan cũng cho rằng: Chúng ta luôn coi nông nghiệp là sở trường mạnh nhất nhưng thực tế trong sản xuất nhiều vấn đề xảy ra khiến nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất trong rủi ro về kinh tế. Đại biểu lấy ví dụ xung quanh việc kiểm nghiệm và công bố thông tin nước mắm nhiễm asen những ngày qua. “Đây là sự “tàn nhẫn” đối với những người ngư dân làm mắm. Vậy chúng ta đã có cơ chế chính sách gì để hỗ trợ họ?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Trước thực tế trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực hơn, quan tâm làm sao cho nền nông nghiệp của Việt Nam phát triển bền vững.

Thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, các đại biểu cho rằng, có thể thấy rõ hiệu quả về đổi mới căn bản phương thức phân bổ kế hoạch đầu tư công. Nhờ đó, việc phân bổ kế hoạch vốn trung hạn bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, tăng cường phân cấp, tăng quyền chủ động, tự chủ cho các cấp, các ngành để thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của ngành mình, cấp mình trong tổng thể Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Trong phương án phân bổ vốn cụ thể, ngân sách nhà nước đã bố trí đủ vốn cho 02 Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, vốn đối ứng các Chương trình, dự án ODA, bố trí vốn hoàn thành nhiều dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư để thực hiện các dự án  phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện khu vực, tuyến tỉnh, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; đầu tư các dự án trọng điểm về ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn hán, sạt lở bờ biển, xâm nhập mặn bảo đảm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; thanh toán hết số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương đến ngày 31/12 /2014 và thu hồi cơ bản số vốn ứng trước kế hoạch. Sau năm 2020, nếu các bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công sẽ không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị, trong thời gian tới việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực