Sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững sát thực tế hơn

Thứ năm, 12/09/2019 20:41
(ĐCSVN) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định, sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững năm 2019 với những nội dung mới và sát thực tế hơn trong bối cảnh hiện nay.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 (Ảnh: Q.T)

Ngày  12/9, tại Hà Nội, Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI), Ngân hàng Thế giới và các Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”. 

Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.  

Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phát triển bền vững là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ này và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chính phủ đã ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (năm 2004), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (năm 2012) và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường. 

“Không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. Tất cả cùng chung tay, cùng nỗ lực để thực hiện thắng lợi Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh

Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng vì năm 2019 là năm sẽ đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong 5 năm qua và đề ra nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo.

Phó Chủ tịch Quốc Hội nhấn mạnh, phát triển bền vững không chỉ là cam kết của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế mà còn xuất phát yêu cầu nội tại mang tính tất yếu của nước ta; Phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng phát triển nhanh và bền vững, đặt con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm trong phát triển. Để thực hiện yêu cầu này, Chính phủ đã sớm ban hành chương trình hành động.

“Với vai trò của mình, Quốc hội đã hoàn thiện khung pháp luật xây dựng nền kinh tế thị trường, hoàn thiện các thiết chế nhà nước đề cao vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhân dân. Qua chức năng lập pháp, giám sát, Quốc hội đã thảo luận thông qua nhiều đạo luật, thông qua ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu… Quốc hội cũng góp phần tham gia vào mục tiêu phát triển bền vững thông qua các công ước quốc tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Tại phiên toàn thể, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình bày các báo cáo về lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường quan hệ đối tác công - tư, xây dựng nguồn vốn con người, thúc đẩy đột phá khoa học công nghệ, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong thập niên tới, cũng như vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Q.T)

Sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững năm 2019

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định, sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững năm 2019 với những nội dung mới và sát  thực tế hơn trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng cho biết, các chỉ số về xoá đói giảm nghèo, sản xuất bền vững, chống biến đổi khí hậu… của Việt Nam đều được quốc tế đánh giá cao, tuy nhiên, chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Chênh lệch giữa các nhóm dân cư, vùng miền còn lớn. Việc sử dụng tài nguyên còn chưa đảm bảo vấn đề môi trường. Vì vậy Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục thống nhất về nhận thức và hành động các cấp, ngành về phát triển bền vững. “Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Cần tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực. Mục tiêu duy nhất đưa con người vào trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta đã có quá nhiều chiến lược phát triển, do đó chưa tập trung được nguồn lực. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương nghiên cứu đưa ra chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 với các nhiệm vụ cụ thể.

Cùng với đó, cần tăng tốc quá trình hoàn thiện thể chế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu,…đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Chính phủ khuyến khích các mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy các dự án năng lượng sạch, dự án nước… Bên cạnh đó, chú trọng nghiên cứu phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Bởi vì, trong lúc chúng ta thay đổi công nghệ lớn thì nguồn nhân lực đáp ứng được công nghệ là yêu cầu tất yếu.

Ngoài ra, xây dựng cơ chế khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, tiến tới mô hình kinh tế không rác thải. Cần có các chính sách khuyến khích hoạt động sản xuất, tái sản xuất theo mục tiêu phát triển bền vững; toàn cầu hoá với công nghệ làm thay đổi tư duy và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý những giá trị văn hoá phải là giá đỡ cho sự phát triển lâu dài.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương kiểm tra việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững đặc biệt là phát triển con người, bảo vệ môi trường và gìn giữ văn hoá./.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực