Tài chính vi mô với công cuộc xóa đói giảm nghèo

Thứ tư, 12/12/2018 21:53
(ĐCSVN) – Sau gần 30 năm, hoạt động tài chính vi mô (TCVM) không ngừng đổi mới, phát triển cả về quy mô, sự đa dạng, đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đất nước, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm xuống 9,6% vào năm 2012 và năm 2013 là khoảng 7,6 - 7,8%, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7%.
Hình ảnh tại Lễ trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi – Việt Nam năm 2018
(Ảnh: H.T)

Ngày 12/12 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung tâm Tư vấn Nguồn lực Tài chính vi mô Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (tiền thân là Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam - VMFWG) đồng tổ chức Tọa đàm “Tài chính vi mô trong phát triển Tài chính toàn diện & Lễ trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi – Việt Nam năm 2018”.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức TCVM an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định 2195).

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, sau gần 3 thập kỷ, hoạt động TCVM không ngừng đổi mới, phát triển cả về quy mô, sự đa dạng, đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đất nước, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm xuống 9,6% vào năm 2012 và năm 2013 là khoảng 7,6 - 7,8%, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7%, an sinh xã hội được cải thiện, thu nhập hộ gia đình được nâng cao, tạo dựng tài sản, cải thiện sức khỏe, giáo dục, nâng cao vai trò, vị thế của người thu nhập thấp trong gia đình và xã hội mặc dù nguồn vốn cho vay TCVM còn rất hạn chế.

Tại Tọa đàm các bên liên quan đã trao đổi, cập nhật hoạt động Tài chính vi mô nhằm thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện trong thời gian gian tới. Nhiều đại biểu đã  chỉ rõ tác động của TCVM trong công tác xóa đói giảm nghèo, cung cấp dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu người nghèo/người thu nhập thấp và phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ tại khu vực nông thôn. Những chia sẻ đó một mặt nêu rõ tầm quan trọng của việc thiết kế kênh phân phối dịch vụ hiệu quả và phù hợp với khách hàng TCVM; mặt khác cũng chỉ ra những vấn đề cần quan tâm cải thiện để các tổ chức TCVM chính thức có thể mở rộng đối tượng phục vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu người nghèo, đặc biệt tại phân khúc thị trường nông thôn, thông qua kênh phân phối dịch vụ tài chính phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, còn cho thấy mô hình TCVM bán chính thức cũng phát triển hiệu quả tại Việt Nam, đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện hoạt động chính thức và được giám sát theo Quyết định số 20/QĐ-TTg.

Thực tiễn phát triển của khu vực TCVM này đã được minh chứng từ bài trình bày của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang (MOM). Không chỉ cho thấy sự đa dạng trong mô hình hoạt động và những tác động lớn của khu vực TCVM bán chính thức trong công tác xóa đói giảm nghèo, những chia sẻ từ Quỹ MOM còn chỉ ra tiềm năng phát triển mô hình hoạt động, tiềm năng mở rộng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính/phi tài chính tại phân khúc thị trường nông thôn. Câu chuyện thực tế tại tỉnh Tiền Giang, tiếp nối bằng những chia sẻ về hoạt động từ Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Nông thôn Việt Nam – đã khắc họa rõ nét thực tế: những mô hình TCVM với sự tham gia của các tổ chức xã hội/tổ chức phi chính phủ cần được xem xét và hỗ trợ phát triển và giám sát hiệu quả hoạt động trong khuôn khổ pháp lý phù hợp.

Chương trình thảo luận mở tại Tọa đàm không chỉ nêu ra thành tựu đạt được mà còn đề cập tới những cơ hội cung cấp dịch vụ tài chính cho mọi người, những khoảng trống cần sự tham gia của các bên, để thực sự hỗ trợ phát triển tài chính vi mô theo hướng cung cấp dịch vụ tài chính đa dạng với các mô hình khác nhau và tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, để TCVM tiếp tục tham gia là trụ cột quan trọng của Tài chính toàn diện; đồng thời tiếp tục góp phần tích cực loại bỏ hoàn toàn tệ nạn tín dụng đen – vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm hiện nay.

Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm cũng đã diễn ra Lễ trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi – Việt Nam năm 2018 (viết tắt là CMA 2018) nhằm ghi nhận và tôn vinh các doanh nhân vi mô đã có những sáng kiến trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả, các cán bộ tín dụng xuất sắc và các tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu đã có những đóng góp đáng kể trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô bền vững tại Việt Nam đến năm 2020, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước. Chương trình CMA 2018 ghi nhận và vinh danh 30 khách hàng TCVM và 4 tổ chức TCVM tiêu biểu từ hơn 100 hồ sơ tham dự chương trình CMA 2018 trên cả nước./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực