Tái cơ cấu giúp nông nghiệp Đà Nẵng tăng trưởng bình quân 3,61%/năm

Chủ nhật, 13/01/2019 08:52
(ĐCSVN) - Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đà Nẵng ghi nhận tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 3,61%/năm, vượt mục tiêu Đề án là 3-3,5%/năm, cơ cấu giá trị sản xuất gồm thủy sản (60,4%), nông nghiệp (36,2%) và lâm nghiệp (3,4%).

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng cho biết, với nỗ lực tập trung xác định sơ đồ ranh giới vị trí và lập nhiệm vụ quy hoạch đối với các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Thành phố đã phê duyệt sơ đồ ranh giới vị trí tại Hòa Ninh 140ha, Hòa Phú 24,5ha, Hòa Khương 26,1ha, vùng chăn nuôi Hòa Khương 10,9ha và đề cương, nhiệm vụ quy hoạch tỷ lệ 1/500 đối với vùng Hòa Khương, Hòa Phú.

Sở này cũng đã gửi văn bản sang Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định đề cương, dự toán kinh phí thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện tích 140ha tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.


Mô hình trồng rau sạch của nông dân huyện Hòa Vang. (Nguồn: Báo Công an Đà Nẵng)

Sau 5 năm, Đà Nẵng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, màu kém hiệu quả là 217,6ha sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như đậu xanh cao sản, ngô lai, mè, dưa hấu, rau an toàn… Đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch với tổng kinh phí hỗ trợ 4,4 tỷ đồng, đến nay cơ bản đạt trên 95% diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất lúa từ 57,9% năm 2013 lên 60,54% năm 2017, đồng thời giảm đáng kể hao phí sức lao động, thời gian lao động, chuyển dịch lao động thuần nông sang các ngành dịch vụ, xây dựng và thương mại.

Hiện đã có 8,2/43,7ha sản xuất rau chuyên canh và 2/22ha hoa theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, có thể kể ra như mô hình sản xuất rau công nghệ cao của công ty Khang Gia Phát rộng 1.000m2 tại xã Hòa Khương.

Quy mô và chất lượng đàn gia súc, gia cầm chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường gắn với an toàn dịch bệnh. Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng số gia súc, gia cầm đến cuối năm 2018 là 17.766 con bò, 65.515 con heo, 2.269 con trâu, 1.620 con cừu, và 714.850 con gia cầm với các giống vật nuôi năng suất, chất lượng, nhiều mô hình mới có hiệu quả được du nhập, nhân rộng.

Bên cạnh đó, địa phương đã xóa bỏ triệt để 19 điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo quy định vệ sinh thú y, tập trung nâng cấp, cải thiện 8 cơ sở giết mổ hiện có và xây dựng chuỗi cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn, đang xúc tiến quy hoạch, đầu tư xây dựng chợ đầu mối động vật, sản phẩm động vật và trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm tại vùng phía Tây huyện Hòa Vang đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Đến nay, Đà Nẵng được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Nấm linh chi Đà Nẵng” cùng một số nhãn hiệu tập thể như nước mắm Nam Ô, giá đỗ Nghi An. Diện tích sản xuất rau được chứng nhận VIETGAP là 14,5ha, trong đó hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan Tây (6ha), hợp tác xã rau La Hường (4,5ha), hợp tác xã rau, củ quả Hòa Vang (2ha), tổ hợp tác rau Bồ Bản (1,5ha), và đã cấp giấy chứng nhận VIETGAP đối với những sản phẩm chủ lực như ớt Bồ Bản, lúa hữu cơ An Trạch, nấm linh chi của 3 hợp tác xã gồm Kim Thanh, Nhơn Phước và An Hải Đông.

Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật cấp chứng nhận an toàn thực phẩm cho 8 cơ sở sản xuất rau an toàn với diện tích 7,78ha.

Nhìn chung, nhờ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nên nông nghiệp Đà Nẵng từng bước phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị - công nghệ cao gắn với sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, nâng cao giá trị gia tăng, tối ưu hóa nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngành. Riêng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân năm 2017 đạt 3,67%.

Cùng với đó, thông qua nhiều chính sách khuyến khích đầu tư mà 43 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch đã và đang vận hành hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương cũng như từng bước chinh phục thị trường bằng chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành mới chỉ là bước đầu, sản xuất nông nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ, chưa thực sự nhìn thấy tính liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn thấp, vai trò cầu nối trong liên kết sản xuất gắn với xây dựng chuỗi giá trị còn mờ nhạt.

Tái cơ cấu là cả quá trình dài, việc thực hiện còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi có những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ chính quyền địa phương cũng như một phần từ trung ương. Không những thế, sản xuất nông nghiệp của Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước thường xuyên bị rủi ro, ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với nhu cầu, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Trong thời gian từ nay tới 2020, lãnh đạo Thành phố xác định tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch, chú trọng thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế từng địa phương, khu vực; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng chương trình nông thôn mới và đề án “Mỗi xã một sản phẩm”.

Về nguồn lực, tăng cường đầu tư, ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng thí điểm một số làng/thôn sinh thái; khôi phục làng nghề truyền thống kết hợp du lịch làng quê.

Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý ngành theo Quyết định của UBND Thành phố theo nguyên tắc bao quát đầy đủ các lĩnh vực công tác, phù hợp với tính chất, đặc điểm của ngành./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực