Tăng cường các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn

Thứ sáu, 20/10/2017 18:12
(ĐCSVN) - Sáng 20/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn "Xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam".

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi, các đơn vị nhập khẩu nước ngoài, các bộ, ngành liên quan cùng nhau đánh giá cơ hội, thảo luận các biện pháp xúc tiến phát triển sản xuất, mở rộng tiềm năng xuất khẩu thịt lợn.

Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: HN)

Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn với sản xuất 27,5 - 28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu con bò sữa, 2 triệu tấn thịt,… nhưng sản phẩm ngành chăn nuôi lại chưa góp mặt trong kim ngạch xuất khẩu. Việc xuất khẩu thịt lợn Việt Nam sang các nước, từ nhiều năm nay, vẫn chưa có sự đột phá. Phần lớn lợn nuôi được chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch.

Báo cáo từ Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC) cho thấy, trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con (33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016). Nếu tình hình không khả quan, con số xuất khẩu trên sẽ giảm sút, chỉ xuất khẩu đạt 1,17 triệu con. Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch lại hạn chế. Trong giai đoạn từ năm 2013 – 2016, với xuất khẩu lợn thịt xẻ chính ngạch, Việt Nam mới xuất sang thị trường Hồng Kong (Trung Quốc) và Malaysia khoảng 15-20 ngàn tấn (tương đương 200.000 con). Qua các con số trên cho thấy, tình hình xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện tại hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng sản xuất.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện nay có không ít thị trường đang bày tỏ nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Tuy nhiên, họ đều đưa ra hàng loạt yêu cầu rất khắt khe. Trong đó, thị trường Hàn Quốc năm 2016 phải nhập khẩu các sản phẩm thịt với tổng trị giá lên tới hơn 5 tỷ USD. Đối với thịt lợn, nước này yêu cầu sản phẩm nhập khẩu vào thị trường của họ phải có nguồn gốc từ quốc gia, vùng xuất khẩu không có bệnh lở mồm long móng và phải được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận. Do hiện nay, Việt Nam chưa được OIE công nhận sạch bệnh lở mồm long móng nên Việt Nam chưa đủ điều kiện để Hàn Quốc tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn. Đối với Philippines, Cơ quan Thú y nước này cũng yêu cầu thịt lợn nhập khẩu vào Philippines phải có nguồn gốc từ các nước không có bệnh lở mồm long móng và không tiêm phòng (được OIE công nhận).

Để thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam đi các nước, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới, ông Vũ Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Biển Đông đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp mở thị trường cấp nhà nước cho sản phẩm thịt lợn của Việt Nam; thống nhất và tập hợp thông tin quy định quản lý kỹ thuật, thương mại với các cơ quan quản lý phía bạn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định tới cộng đồng doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan hữu quan giữa Việt Nam và các nước để đánh giá, tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại trong việc xuất nhập khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với 12 nước, vì vậy, cơ hội xuất khẩu chăn nuôi của Việt Nam đã tới. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng giảm giá thành, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh. Rào cản thương mại đã được mở, vấn đề còn lại là đáp ứng rào cản kỹ thuật, chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Khi đã mở cửa cần giảm giá thành để cạnh tranh, những công việc này đòi hỏi chúng ta cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững, cần từng bước chăn nuôi theo mô hình chuỗi. Trong đó, cần đánh giá thị trường tiêu thụ thịt lợn trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia xung quanh Việt Nam với tiềm năng tiêu thụ thịt lợn rất lớn. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiến hành rà soát chương trình an toàn dịch bệnh tại các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, cơ quan Thú y của Việt Nam cần trao đổi và thống nhất với cơ quan Thú y của các nước bạn về các quy định kiểm dịch nhằm hướng tới việc xuất khẩu không chỉ một sản phẩm mà còn xuất khẩu nhiều sản phẩm.

Tại Diễn đàn, Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao, Tập đoàn De Heus, Công ty CP và Đầu tư Thương mại Biển Đông cùng với Công ty Daewon đã cùng ký kết Thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch để xuất khẩu. Việc tham gia ký kết mở ra một hướng đi chung trong chiến lược phát triển của các bên với mục đích mang lại cho cộng đồng chuỗi giá trị cung ứng thịt lợn sạch, an toàn hướng đến xuất khẩu./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực