Tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU

Thứ ba, 19/03/2019 15:47
(ĐCSVN) - Dự kiến, tháng 5/2019, Đoàn Thanh tra Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu sẽ sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về vấn đề chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị các Bộ, ban, ngành Trung ương liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển cần tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.

Ảnh minh họa. (Ảnh: ĐT)

Các Bộ ngành, địa phương cùng vào cuộc triển khai khuyến nghị của EC

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU, đến nay, về hoàn thiện khung pháp lý, Luật Thủy sản 2017 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Bên cạnh đó, các quy định của Điều ước quốc tế và đặc biệt là các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU đã cơ bản được nội luật hóa. Đồng thời, nhằm xây dựng một hệ thống kiểm soát toàn diện cho việc chống khai thác IUU, Bộ NN&PTNT đã tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thuỷ sản 2017.

Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ đã ban hành Kế hoạch tổng thể về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra hoạt động tàu cá khai khác hải sản trên biển và cảng cá theo quy định của EC. Thành lập các Đoàn công tác liên ngành, đoàn kiểm tra, đoàn kỹ thuật trực tiếp đi kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg tại các địa phương, trong đó chọn các tỉnh: Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh là tỉnh điểm triển khai chống khai thác IUU và Luật Thủy sản năm 2017.

Với Bộ Công Thương, chỉ đạo thương vụ Việt Nam tại EU tăng cường tiếp xúc, trao đổi, làm việc với Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của EC (DG-MARE) để nắm tình hình, kịp thời báo cáo về động thái của EC đối với vấn đề chống khai thác IUU của Việt Nam. Chủ động cung cấp thông tin cho các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội ngành hàng liên quan để phối hợp giải quyết hiệu quả vấn đề “thẻ vàng”.

Đáng chú ý, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, tổ chức các lực lượng triển khai thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành các cơ quan, ban ngành, lực lượng chức năng có liên quan tại địa phương tăng cường các biện pháp để chống khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá và ngư dân cố tình vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, điển hình tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Cà Mau.

Các Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội nghề cá Việt Nam đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT tổ chức các buổi đối thoại với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, cộng đồng ngư dân để phổ biến các quy định về IUU, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ khắc phục tác động của “thẻ vàng” đối hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp. Huy động nguồn lực phối hợp với các Bộ, ban ngành và địa phương vào cuộc chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng” của EC.

Tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU

Dự kiến tháng 5/2019, Đoàn Thanh tra Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu sẽ sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị các Bộ, ban, ngành Trung ương liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương cần tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.

Trong đó, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác IUU, tổ chức họp Ban Chỉ đạo với 28 tỉnh ven biển.

Đặc biệt, tổ chức triển khai Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các nội dung trọng tâm liên quan tới chống khai thác IUU. Cụ thể như: thực hiện cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá và hạn ngạch về sản lượng khai thác cho phép đối với số loài di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đoàn, đồng thời triển khai triệt để việc phân cấp, cấp phép khai thác thủy sản cho UBND các tỉnh. Thực hiện quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép đối với tàu cá nằm trong danh sách tàu cá IUU.

Cùng với đó, triển khai các quy định liên quan tới theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá gồm: các quy định về nhật ký khai thác, quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, quy định trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, có kết quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU. Trong đó, đặc biệt chú ý tới việc tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và thanh tra tại cảng nhằm nâng cao hoạt động thực thi pháp luật, đảm bảo năng lực quản lý hoạt động nghề cá tại địa phương có hiệu quả để phòng, chống khai thác IUU.

Mặt khác, tập trung tích cực việc thu hồi tất cả các thiết bị MOVIMAR đã được lắp đặt ở các tàu cá có chiều dài dưới 24 mét và tiến hành lắp đặt cho các tàu cá có chiều dài 24 mét trở lên. Đảm bảo trước 1/4/2019 tất cả các tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên của địa phương được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có kết nối với vệ tinh.

Song song với đó, tăng cường công tác kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ ngành và tình hình triển khai các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu về phòng, chống khai thác IUU trên thực tế tại các địa phương.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo thông tin liên tục, cập nhật tạo điều kiện cho cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp, thủy sản, cán bộ, các tổ chức cá nhân có liên quan hoạt động thủy sản được tiếp cận, nắm thông tin kịp thời về chống khai thác IUU./.  

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực