Tây Ninh: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 65.302 tỷ đồng

Thứ ba, 16/01/2018 17:58
(ĐCSVN) – Theo Sở Công thương tỉnh Tây Ninh, năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh này đạt 65.302 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của Tây Ninh cũng đạt 3.573 triệu USD.
Một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực may mặc
trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. (Nguồn: Báo Tây Ninh)

Cũng theo Sở Công thương tỉnh Tây Ninh, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ năm 2017 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng chủ yếu từ các ngành có giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng cao như chế biến đường, dệt may, sản phẩm da giày, cao su và plastic, khoáng phi kim loại. Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu gồm hàng dệt may, giày, dép các loại, sợi dệt; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày; mặt hàng hạt điều; cao su; bột mì và các sản phẩm từ bột mì.

Năm 2017, tỉnh Tây Ninh đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển; theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,7%. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phần lớn các ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số tăng và tăng khá cao: dệt tăng 33,63%, sản xuất da và sản phẩm có liên quan tăng 22,7%, sản phẩm từ cao su và plastic tăng 37,51%...

Trong năm qua, các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ đó chủ động đầu tư, đổi mới cơ cấu và đẩy mạnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, hầu hết các sản phẩm đều tăng so với cùng kỳ.

Là một trong 8 địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh có nhiều lợi thế cho thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Tỉnh nằm ở vị trí giao kết của các tuyến đường giao thông huyết mạch trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông; có 14 cửa khẩu với Vương quốc Campuchia, trong đó Mộc Bài và Xa Mát là các cửa khẩu đường bộ quốc tế lớn nhất phía Nam. Cùng với đó, các điều kiện về địa hình, địa chất, khí hậu, đất đai, nguồn nước… cũng đều rất thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động sản xuất.

Hiện nay, Tây Ninh là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp khá nhanh so với cả nước. Tỉnh có 5 khu công nghiệp đang hoạt động với quỹ đất sẵn có, hạ tầng hoàn thiện, có thể tiếp nhận các dự án quy mô lớn với chi phí thuê đất rẻ, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của các nhà đầu tư. Về nông nghiệp, Tây Ninh có vùng nguyên liệu mía, mì, cao su thuộc vào loại lớn nhất nước và khu vực Đông Nam bộ cả về diện tích, chất lượng cũng như sản lượng, là tiền đề thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, chế biến các sản phẩm tinh chế từ cao su, mía đường, tinh bột mì… gắn với vùng nguyên liệu.

Được biết, tỉnh Tây Ninh đang tập trung đẩy mạnh và thực hiện ba chương trình đột phá về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; về phát triển nguồn nhân lực; về cải cách hành chính giai đoạn từ nay đến năm 2020. Song song đó, tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư - nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đã ký kết với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Hà Nội,

Năm 2018, ngành Công thương tỉnh Tây Ninh tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao, cụ thể: giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,5%; tỷ lệ số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,58%; kim ngạch xuất khẩu tăng 22%; kim ngạch nhập khẩu tăng 20%.

Để đạt được mục tiêu của năm 2018, ngành Công thương tỉnh Tây Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp theo hướng liên kết theo chuỗi để khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án lĩnh vực công thương, nhất là các doanh nghiệp đầu tư tại các cụm công nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực công thương./.

NS

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực