Tham vấn chuyên gia về Báo cáo “Giải pháp cho tương lai năng lượng Việt Nam”

Thứ tư, 25/04/2018 22:19
(ĐCSVN) – Tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về kết quả nghiên cứu ban đầu Báo cáo “Giải pháp cho tương lai năng lượng Việt Nam”, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm về các giải pháp tài chính cho phát triển năng lượng bền vững và cho rằng cần chú trọng thu hút nguồn vốn tư nhân, tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro, hướng tới mục tiêu mang tính dài hạn.

Ngày 24/4,  tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kết quả nghiên cứu ban đầu Báo cáo “Giải pháp cho tương lai năng lượng Việt Nam”.

 


Các chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm. (Ảnh: Đức Long)

Đây là sự kiện quan trọng và là hoạt động cụ thể hóa những định hướng được nêu ra trong Hội thảo về “Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào tháng 01/2018 vừa qua.

Mở đầu buổi tọa đàm, đại diện nhóm nghiên cứu là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng của công ty tư vấn McKinsey đã trình bày tổng quan về bức tranh năng lượng Việt Nam, một số thách thức và những tác động trong dài hạn. Trên cơ sở đó, đại diện nhóm nghiên cứu đã cùng các chuyên gia và đại diện các Bộ, ngành Trung ương trao đổi, thảo luận chuyên sâu về thực trạng hệ thống điện quốc gia cũng như những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển điện gió và điện mặt trời; những hạn chế, đòi hỏi và thách thức đối với cơ chế chính sách về năng lượng tái tạo; những thách thức về khả năng quản trị các dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn.

Cũng trong buổi tọa đàm, các chuyên gia đến từ một số tập đoàn và định chế tài chính quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp tài chính cho phát triển năng lượng bền vững, và cho rằng cần chú trọng thu hút nguồn vốn tư nhân, tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro, hướng tới mục tiêu mang tính dài hạn.

Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự và ý kiến đồng thuận về sự cần thiết phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các nguồn điện gió và điện mặt trời, cũng như vai trò của nguồn vốn tư nhân và nguồn vốn FDI trong phát triển lĩnh vực năng lượng. Tọa đàm cũng đã chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm về mặt kỹ thuật, nghiên cứu các phương án xử lý như khả năng kết nối với quy mô lớn vào hệ thống điện, công suất dự phòng, hệ thống trữ lưu điện dung lượng lớn... Qua đó, bản báo cáo đã được đánh giá cao về chất lượng nghiên cứu, hàm chứa nhiều nội dung quan trọng và có những đề xuất giải pháp mang tính đột phá.

Đồng chí Cao Đức Phát kết luận buổi tọa đàm. (Ảnh: Đức Long)

Kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá: Trong bối cảnh Việt Nam không có nhiều lợi thế cạnh tranh trong năng lượng truyền thống, nhưng lại có lợi thế so sánh nhất định về năng lượng tái tạo, trong đó nguồn năng lượng gió và mặt trời có thể đáp ứng được 30% sản lượng điện quốc gia. Chính vì lẽ đó, phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời là hướng đi tất yếu trong thời gian tới và phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn điện gió và mặt trời này còn nhiều thách thức về cả yếu tố kinh tế và kỹ thuật. Tọa đàm lần này đã cho thấy nhiều kinh nghiệm quốc tế có thể giải quyết những thách thức, bất cập này. Vì vậy, để phát triển mạnh năng lượng điện gió và điện mặt trời thì chúng ta cần có quyết tâm chính trị cao, cùng với các quyết sách chính sách căn cơ, chiến lược hợp lý.

Đồng chí Cao Đức Phát cũng yêu cầu, sau buổi Tọa đàm, nhóm nghiên cứu cần sớm tiếp thu, chắt lọc các ý kiến trao đổi, góp ý để hoàn thiện bản báo cáo cuối cùng. Đây là cơ sở và luận cứ quan trọng cho Ban Kinh tế Trung ương trong việc thực hiện đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và thẩm định Tổng kết 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược quy hoạch ngành Điện lực Việt Nam, góp phần làm cơ sở tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc ban hành các chủ trương, chính sách lớn về phát triển năng lượng, nhất là phát triển điện gió và điện mặt trời; tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng./.

Long Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực