Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp tư nhân

Thứ tư, 26/07/2017 22:51
(ĐCSVN) - Chiều ngày 26/7, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp tư nhân”. Tại đây, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Tham dự Tọa đàm có: ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước; ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. 

Các khách mời đã cùng nhau trao đổi nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh đối với các thành phần kinh tế khác; đóng góp vào tăng trưởng chung của đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân. 

Các vị khách mời tham gia Tọa đàm. (Ảnh:KS)

Thời gian qua, kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân đã phát triển mạnh trên nhiều phương diện và đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và vùng miền. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng đã có nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình cá thể thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện vay vốn, về tài sản thế chấp, về báo cáo tài chính...Những  nút thắt này đang cản trở doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình phát triển, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay.

Đánh giá về thực tế trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, có 3 nguyên nhân chính giải thích hiện tương này. Thứ nhất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu sử dụng nguồn vốn tự có, nhất là các hộ gia đình và doanh nghiệp rất nhỏ. Thứ hai, lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng hiện vẫn còn cao, chính vì vậy doanh nghiệp có phần e ngại khi tiếp cận nguồn vốn. Thứ ba, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng không đủ điều kiện để vay vốn, bao gồm các quy định về điều kiện thế chấp, điều kiện về dự án…qua đó không tạo được lòng tin cho ngân hàng.

Cũng theo ông Phong, việc không tiếp cận được vốn tín dụng ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ doanh nghiệp mà còn với cả ngân hàng và xã hội. “Điều này được thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp sẽ không có điều kiện phát triển, khó đổi mới kỹ thuật và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đối với ngân hàng, không cho vay được đồng nghĩa giảm doanh thu, thị phần. Với xã hội, doanh nghiệp không phát triển sẽ ảnh hưởng đến việc làm, nguồn thu ngân sách và vị thế của kinh tế quốc gia”, ông Phong nhận định.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (trái) chia sẻ tại Tọa đàm (Ảnh:KS)

Lý giải về những khó khăn khi các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng hiện nay, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do bản thân một số doanh nghiệp có năng lực về quản trị và khả năng tài chính còn hạn chế, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán và thiếu công khai minh bạch. Điều này dẫn tới các ngân hàng thiếu cơ sở trong quá trình thẩm định và quyết định cho vay vốn.

Đồng quan điểm trên, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, hiện nay nhiều ngân hàng không thiếu vốn mà đang thiếu niềm tin vào các doanh nghiệp. Theo ông Nam, hạn chế này xuất phát từ việc các doanh nghiệp không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh một cách rành mạch. Bên cạnh đó, sức thuyết phục từ các phương án kinh doanh không cao, điều này khiến ngân hàng không thấy được hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, tài sản thế chấp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là thấp, qua đó không tạo được niềm tin để ngân hàng có thể cho vay.

Về những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các khách mời thống nhất cho rằng, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã và đang đưa ra nhiều chính sách và giải pháp quyết liệt trong việc thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tại các tổ chức tín dụng. Trong đó, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân được xác định là đối tượng khách hàng quan trọng với dự nơ lên tới gần 4 triệu tỷ đồng và hàng triệu khách hàng đang còn dư nợ. Chính vì vây, các ngân hàng nên điều chỉnh lại các điều kiện cho vay, trong đó tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp những thủ tục vay vốn theo quy định. Về phía mình, bản thân doanh nghiệp cũng phải nâng cao khả năng tài chính, mạnh dạn liên kết với nhau, minh bạch hóa các thông tin sản xuất kinh doanh, qua đó tạo cơ sở để tiếp cận các nguồn vốn vay.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Trần Văn Tần khẳng định: Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quy mô khác nhau đều bình đẳng trong mối quan hệ tín dụng với ngân hàng. Chính vì vây, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Theo đó, hệ thống các ngân hàng cần tổ chức triển khai tốt Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản đảm bảo; nâng cao năng lực của các cán bộ thẩm định; chủ động đưa ra các sản phẩm mang tính chất đặc thù dành cho các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa… từ đó tạo bước đột phá trong hiệu quả tiếp cận nguồn vốn đối với khu vực này./. 

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực