Thúc đẩy hoạt động tài chính vi mô giúp phụ nữ nghèo sản xuất, kinh doanh

Thứ ba, 25/09/2018 17:24
(ĐCSVN) – Hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam từ lâu đã được biết đến là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tài chính và là một trong những công cụ xóa đói giảm nghèo hữu hiệu. Khách hàng chủ yếu của tài chính vi mô là nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ.
Hình ảnh tại hội thảo. (Ảnh:M.P)

Ngày 25/9/2018, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng phối hợp Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội thảo “Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam từ lâu đã được biết đến là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tài chính và là một trong những công cụ xóa đói giảm nghèo hữu hiệu. Khách hàng chủ yếu của tài chính vi mô là nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ. 

Trong hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Theo số liệu thống kê, trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giảm từ mức 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% vào năm 2017 đi cùng với sự gia tăng thu nhập mạnh mẽ đối với các hộ gia đình ở mọi mức thu nhập. 

Trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phụ nữ nhằm phát huy mọi tiềm năng, nâng cao vai trò, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo. 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho hay, về phía ngành ngân hàng, NHNN đã xây dựng và triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vi mô giúp đối tượng là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo tiếp cận dòng vốn tín dụng. Thực tiễn cho thấy với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, tài chính vi mô được xem như một công cụ “đòn bẩy” hữu hiệu nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế của họ trong gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng chỉ ra hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như: hoạt động khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức tài chính vi mô chưa cao, đặc biệt khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa toàn diện, thống nhất... Hơn nữa, công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng tài chính vi mô nói chung và cho phụ nữ trong hộ gia đình nói riêng vẫn còn khiêm tốn. Những hạn chế này sẽ tác động không tốt tới cơ hội phát triển kinh tế lâu dài của hộ gia đình, trong đó có những người phụ nữ.

Ông Trần Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Phân viện Phú Yên (Học viện Ngân hàng) nêu thực tế, các chương trình đào tạo về giáo dục tài chính vi mô cho phụ nữ nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đa phần những chương trình giáo dục tài chính vi mô hiện nay mới cung cấp về những kiến thức rất cơ bản chưa có những đào tạo chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh kế hoạch vay vốn, kỹ năng sử dụng vốn vay có hiệu quả. Một số chương trình đào tạo được thiết kế chưa thực sự phù hợp với đối tượng, đặc biệt là đối tượng phụ nữ nông thôn; dẫn đến họ khó tiếp thu và ứng dụng trong thực tế. 

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, nhằm thúc đẩy hoạt động tài chính vi mô trong thời gian tới, Nhà nước cần sớm ban hành đầy đủ hành lang pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động tài chính vi mô phát triển bền vững. Có cơ chế chính sách khơi thông nguồn vốn cho tài chính vi mô là một kênh cung cấp vốn cho phụ nữ nghèo để sản xuất, kinh doanh, có cơ hội thoát nghèo. Tuy nhiên, để các hộ nghèo thoát nghèo, nguồn vốn tài chính chỉ là một yếu tố, mà còn giúp họ có những kiến thức về sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả… là vấn đề quan trọng. Trong bối cảnh bùng nổ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu đặt ra là cần có những hỗ trợ thiết thực với các tổ chức tài chính vi mô trong việc ứng dụng công nghệ số. Liên kết các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ, dựa trên nền tảng công nghệ số. Qua đó, một mặt đa dạng hóa các kênh phân phối cũng như phát triển sản phẩm, dịch vụ sáng tạo hơn; mặt khác đưa sản phẩm đến với khách hàng là phụ nữ tại các khu vực, vùng sâu vùng xa./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực