Thúc đẩy quan hệ hợp tác ngành nông nghiệp giữa Việt Nam và Malaysia

Thứ tư, 04/10/2017 17:11
(ĐCSVN) - Ngày 3/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có buổi tiếp và hội đàm với ông Datuk Seri Mah Siew Keong, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Trồng trọt Malaysia nhằm gợi mở tiềm năng hợp tác, khai thác tốt lợi thế và tạo điều kiện thúc đẩy nông sản của hai bên cùng phát triển.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc (Ảnh: KL)

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam và Malaysia có quan hệ hợp tác truyền thống, lâu dài. Hai nước đều là thành viên ASEAN và hiện Malaysia là nước có nền kinh tế thuộc nhóm đi đầu trong ASEAN.

Hiện tại, nông nghiệp của Malaysia đóng góp 11% vào GDP quốc gia và đây là khu vực giải quyết 16% lao động. Trong khi đó, 70% dân số Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn, trong đó làm nghề nông là chính. Mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp 18% vào GDP của cả nước, nhưng tỷ lệ lao động ở khu vực này vẫn chiếm tới 43%. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cả hai nước đều coi trọng những đối tượng sản xuất ra giá trị cao để xuất khẩu, trong đó có những mặt hàng nếu hai nước hợp tác làm tốt thì có thể mở ra thị trường rộng lớn không chỉ ở khu vực ASEAN mà trên quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất 2 nhóm vấn đề mà hai nước có thể trao đổi hợp tác, đó là: những nhóm sản phẩm trùng nhau thì liên kết, bổ trợ cho nhau làm sao gia tăng giá trị và mở rộng ra thị trường thế giới; một số nhóm mặt hàng tùy theo tình hình mỗi nước có thể ưu tiên để phát triển. Liên quan đến vấn đề này, ông Datuk Seri Mah Siew Keong, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Trồng trọt Malaysia cho biết, Malaysia có thế mạnh về xuất khẩu các mặt hàng dầu cọ, cao su, hồ tiêu, nhất là các mặt hàng chế biến sâu. Hiện, Malaysia đang nhập khẩu cao su thô của Việt Nam về để sản xuất găng tay y tế - sản phẩm lớn nhất của ngành cao su Malaysia.

Theo ông Datuk Seri Mah Siew Keong, nhiều doanh nhân trong lĩnh vực chế biến sản phẩm cao su, hồ tiêu của Malaysia đang quan tâm đến thị trường Việt Nam. Hiện Malaysia đang là Chủ tịch Hội đồng Ba bên Cao su quốc tế (gồm có Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Hội đồng này nhằm mục đích giữ giá cao su bình ổn. Vì thế, ông mong muốn mời Việt Nam tham dự cuộc họp Hội đồng Ba bên Cao su quốc tế sắp diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) và có thể trở thành thành viên của Hội đồng này. Đối với hồ tiêu, ông Datuk Seri Mah Siew Keong cho biết, trước đây 10 năm nhiều đoàn công tác của Việt Nam từng sang Malaysia để học hỏi, tham quan đồn điền sản xuất hồ tiêu. Đến nay, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam đã gấp 5 lần Malaysia.

Nói về hợp tác trong lĩnh vực cao su, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn các doanh nghiệp Malaysia tiếp tục mua sản phẩm cao su thô của Việt Nam để chế biến. Bên cạnh đó, Malaysia có thể giới thiệu doanh nghiệp sang nghiên cứu, chế biến cao su tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng, các sản phẩm chế biến từ cao su như đệm, các sản phẩm trong gia đình đang có mức tăng trưởng cao.

Cùng với cao su, Việt Nam là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, còn Malaysia lại dẫn đầu về các sản phẩm hồ tiêu chế biến. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam đang chiếm 55% của toàn thế giới nhưng giá trị gia tăng rất thấp. Vì thế, Bộ trưởng mong muốn doanh nghiệp Malaysia sớm sang nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác phát triển giống, phương pháp canh tác, đặc biệt là canh tác hữu cơ và chế biến sản phẩm hồ tiêu nhằm nâng cao giá trị, đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho cả hai bên. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Malaysia về giống và công nghệ canh tác cây dừa. Về vấn đề này, Bộ trưởng Datuk Seri Mah Siew Keong cho biết, các doanh nghiệp Malaysia sẵn sàng đến Việt Nam để hợp tác trong chế biến các sản phẩm hồ tiêu.

Với nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh về nông sản giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kỳ vọng từ nay đến năm 2020 thương mại nông sản hai chiều sẽ tăng thêm 1 tỷ USD, góp phần đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực