Thực hiện chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan cho doanh nghiệp Hàn Quốc

Thứ hai, 17/09/2018 18:34
(ĐCSVN) – Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan cho doanh nghiệp.
Hình ảnh tại Hội nghị. (Ảnh:M.P)

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tại Hội nghị đối thoại năm 2018 giữa Bộ Tài chính với Doanh nghiệp Hàn Quốc về Chính sách và Thủ tục hành chính thuế-hải quan do Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán Hàn quốc tại Việt Nam tổ chức chiều 17/9, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư hướng dẫn về thuế, hải quan kịp thời, đồng thời đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan rà soát và xây dựng các chương trình hành động cụ thể nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và giảm thời gian nộp thuế, thời gian khai hải quan cho người nộp thuế, người khai hải quan, ứng dụng mạnh mẽ vào công tác quản lý thuế, hải quan.

Năm 2018, kết quả xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 (Chỉ số APCI 2018) thì ngành Thuế xếp thứ nhất trong 8 nhóm thủ tục hành chính được đánh giá với chi phí tuân thủ là thấp nhất (là 73,75 nghìn đồng). Trong đó, thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục hành chính chỉ là 2,9 giờ làm việc. Đây là nhóm thủ tục được Ngân hàng Thế giới vinh danh trong Báo cáo Đánh giá môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business 2018) khi tăng gần 15/100 điểm so với năm 2017, từ 55,99 lên 72,77 điểm.

Cũng trong báo cáo này, ghi nhận chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) của Việt Nam xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Doing Business 2017). Tính đến nay đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đối với 99,96% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. Việt Nam cũng đã triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố; tiếp tục thực hiện triển khai dịch vụ về kê khai, nộp thuế điện tử; hoàn thuế điện tử; hóa đơn điện tử; nộp thuế đối với đất đai, hộ cá nhân điện tử…

Trong lĩnh vực hải quan, thời gian qua đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá đối với 223 thủ tục hải quan; Tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Hiện hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc với 100% quy trình thủ tục được tự động hóa và hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử.

Ngành Hải quan cũng đã kết nối với các hãng hàng không nắm thông tin về hàng hóa nhập khẩu, thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các doanh nghiệp hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu; Triển khai nộp thuế qua ngân hàng…Tổng cục Hải quan cũng đã tích cực triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, đã điện tử hóa nhiều khâu thủ tục, giúp giảm bớt thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa...

Tại Hội nghị, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyun cũng đánh giá, quy mô trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng qua từng năm, được lãnh đạo hai nước thống nhất đặt mục tiêu đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Trong lĩnh vực đầu tư, suốt nhiều năm qua Hàn Quốc giữ vững ngôi vị là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Qua những kết quả trên có thể thấy mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng trở nên gần gũi.

“Tuy nhiên, khi số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng thì những khó khăn do chưa nắm bắt đầy đủ về các quy định, chính sách thuế và hải quan Việt Nam cũng không ngừng tăng theo” ông Kim Do-hyun thẳng thắn chia sẻ.

Ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động đầu tư của Hàn Quốc đang trải rộng trên nhiều địa phương ở Việt Nam, không chỉ có dự án lớn như Samsung ở Thái Nguyên hay Bắc Ninh mà dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc đang trải rộng ở nhiều địa phương. Đến nay, Hàn Quốc đã và đang đầu tư vào trên 50 tỉnh, thành phố Việt Nam và trở thành nước có xếp hạng đầu tiên cả về số lượng và dự án tích luỹ trong đầu tư vào Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, Hàn Quốc đang có 6.760 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 59 tỷ USD còn hiệu lực tại Việt Nam, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư trong tổng số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng trên 70 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam. Các dự án FDI từ Hàn Quốc thời gian qua đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp tập trung ở các dự án lớn trong mảng công nghiệp chế tạo, kinh doanh bất động sản, năng lượng, cơ khí và điện.

Tại Hội nghị, Tổng cục Thuế đã giới thiệu khái quát các chính sách và thủ tục hành chính thuế mới từ tháng 9/2017 đến nay; một số nội dung mới trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung. Đại diện Tổng cục Hải quan cũng đã giới thiệu khái quát các chính sách và thủ tục quản lý hải quan mới từ tháng 9/2017 đến nay. Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi, nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc liên quan đến các chính sách mới này đã được giải đáp tại hội nghị./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực