Thuế là một trong những lĩnh vực có nhiều cải cách lớn kể từ sau khi mở cửa nền kinh tế

Thứ sáu, 25/05/2018 19:17
(ĐCSVN) - Thời gian qua, Nhà nước đã có những cam kết ngày càng chặt chẽ trong việc mở cửa thị trường và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Thuế là một trong những lĩnh vực có nhiều cải cách lớn kể từ sau khi mở cửa nền kinh tế và thực hiện Đổi mới ở Việt Nam.
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Đó là đánh giá được đưa ra tại Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017, do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách công bố sáng 25/5, tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Sĩ Cường - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, quy mô tương đối của ngân sách nhà nước so với GDP có xu hướng giảm: Tổng thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 24% GDP (năm 2016) thấp hơn mức 30% GDP (năm 2006). Tương tự, số thu thuế giảm từ mức 24% GDP (2006-2008) xuống mức 18% GDP (2014-2016). Xét về cơ cấu thu thuế, tỷ trọng thuế gián thu trong tổng thu thuế đã tăng mạnh lên mức hơn 60%, còn thuế trực thu đã giảm xuống mức dưới 40%. Điều này tác động không tốt đến tính luỹ tiến của hệ thống thuế của Việt Nam. So sánh với các nước ASEAN-5 và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ thuế/GDP của Việt Nam thấp hơn các nước OECD nhưng cao hơn hẳn các nước ASEAN-5. Tỷ trọng thuế trực thu của Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều so với OECD và thấp thứ hai trong ASEAN-5. Và ngược lại, tỷ lệ thuế gián thu của Việt Nam cao hơn so với các nước OECD và cũng là nước cao thứ hai trong nhóm nước ASEAN-5.

Việt Nam tuy được đánh giá khá cao về tính đầy đủ của nguồn thu ngân sách nhưng báo cáo vẫn cho thấy có nhiều điểm đáng lưu tâm về vấn đề này. Các khoản thu về phí và lệ phí (trừ phí trước bạ) chiếm gần 10% tổng thu ngân sách (năm 2016) với khoảng 100 loại phí và gần 50 loại lệ phí. Khoản thu về đất ngoài thuế tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách (cao nhất lên tới 11% tổng thu ngân sách). Báo cáo chỉ rõ, trong nguồn thu này, thu về tiền sử dụng đất chiếm khoảng 80%. Cần lưu ý đây là nguồn thu một lần, do vậy không bền vững.

Bên cạnh đó, vấn đề trốn tránh thuế và quản lý thuế của Việt Nam cũng được xem xét trong báo cáo. Hiện, nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam có thể hưởng mức thuế suất là 10%, thấp bằng một nửa so với mức thuế suất phổ thông là 20%. Việc tránh thuế của các các tập đoàn đa quốc gia cũng diễn ra khá nhiều và mới được điều tra, xử lý từ năm 2010.

Từ những phân tích và đánh giá theo khung khổ của Chỉ số Công bằng Thuế, báo cáo khuyến nghị rằng, trong thời gian tới Việt Nam cần rà soát lại chính sách miễn, giảm thuế với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI và công bố công khai cho người dân biết, trên cơ sở đó nên tính toán được phần thuế bị mất đi do miễn giảm thuế. Cùng với đó, cần giữ vững hướng cải cách tách các chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế..../.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực