Tiếp tục cải thiện giải ngân vốn đầu tư công

Chủ nhật, 08/09/2019 17:44
(ĐCSVN) - Theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện, tích cực hơn trong thời gian tới.
Tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả (Ảnh minh họa: PV)

Trước đó, tháng 11/2018, theo Bộ Tài chính, số liệu giải ngân vốn của các bộ, ngành, địa phương 11 tháng năm 2018 đạt thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2017. Có 5 bộ, ngành và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 80% kế hoạch; trong đó có 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90% (Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương có số giải ngân thấp. Có 31/56 bộ, ngành và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 65% kế hoạch năm. Trong đó, còn 21 bộ, ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Đặc biệt, 13 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30%, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải ngân đạt 28,5%; Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam giải ngân đạt 12,9%; Bộ Y tế giải ngân đạt 10,5%; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giải ngân 4,95%... Thậm chí có 2 ngành trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn đó là Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá.

Mới đây nhất, trong báo cáo của Bộ Tài chính tháng 9/2019, cả nước có 47 Bộ ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới 40%, điển hình là các Bộ, ngành, địa phương như Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Tp Hà Nội, Tp.HCM...

Để đốc thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiên nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019. Theo công điện này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo theo dõi đôn đốc quyết liệt. Chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đấu thầu; hoàn thiện thủ tục thanh toán; xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng xây dựng công trình…Công điện của Thủ tướng cũng nêu rõ, bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Công điện này.

Theo tinh thần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tiến triển khá trong giải ngân đầu tư công từ cuối 2018 tới đây và trong thời gian tiếp theo, công tác này sẽ được triển khai tích cực và quyết liệt hơn nữa.

Cụ thể, như thông tin của ông Trần Quốc Phương, con số giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trong 8 tháng ước đạt 161.271,361 tỷ đồng, đạt 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 37,92% dự toán năm (cùng kỳ năm 2018 đạt 45,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 44,24% dự toán năm). Tuy nhiên, ông Phương cũng thẳng thắn thừa nhận “tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công từ đầu năm tới nay vẫn thấp, nhất là nguồn vốn trái phiếu chính phủ và vốn nước ngoài”. Lý giải nguyên nhân của thực trạng trên, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Trần Quốc Phương cho rằng, cần làm rõ hơn nhận định “Chậm giải ngân là do chậm bàn giao kế hoạch” để xác định nguyên nhân chính xác. Chậm giải ngân vốn đầu tư công có một phần do chậm giao kế hoạch, mà chủ yếu là chậm giao kế hoạch từ cấp các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể. Năm nay, tổng kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 429.300 tỷ đồng. Trước ngày 31/12/2018, đã có hơn 367.000 tỷ đồng được giao, đạt 85,5% kế hoạch. Phần còn lại chưa được giao, chủ yếu do một số dự án mà các bộ, ngành, địa phương đề xuất chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, chưa đủ cơ sở pháp lý để giao kế hoạch và thực hiện. Bên cạnh đó, trình tự giao kế hoạch vốn còn phải được thực hiện ở cấp chủ đầu tư giao kế hoạch cho các dự án cụ thể nữa.

Ông Phương cho biết, để tiếp tục triển khai công tác giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực đôn đốc các bộ, ngành, địa phương còn vốn chưa được giao kế hoạch khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định để tổng hợp, giao kế hoạch vốn. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn trên 35.000 tỷ đồng (trên 8% vốn kế hoạch) chưa được giao.

“Nguyên nhân chủ yếu, như nói ở trên, vẫn là vì các dự án do các bộ, ngành, địa phương đề xuất giao kế hoạch số vốn trên chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Một phần khác là tại các cơ quan tổng hợp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác đôn đốc chưa kịp thời, quyết liệt, dẫn tới tình trạng chờ đợi lẫn nhau, đơn vị xong trước chờ đơn vị xong thủ tục sau, nên mất khá nhiều thời gian... Việc chờ đợi để tổng hợp một lần cũng một phần do tâm lý ngại tổng hợp giao kế hoạch nhiều lần, như đã từng diễn ra trong một số năm trước đây” – ông Phương nói.

Thực tế, trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc cải thiện tình hình giao kế hoạch vốn bằng nhiều biện pháp, như áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Tuy nhiên, việc giao kế hoạch vốn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hai chiều giữa cơ quan tổng hợp và các bộ, ngành, địa phương. Quan trọng nhất là, phương án đề xuất của các bộ, ngành, địa phương cần phải đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, quy định pháp luật, thì khâu tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch mới nhanh, chính xác, đúng pháp luật được.

Bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong những tháng đầu của năm 2019 cũng đã tổ chức 3 đoàn công tác để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả làm việc cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, mà một trong số đó là do Luật Đầu tư công có cho phép thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được kéo dài sang năm sau. Điều này dẫn tới tâm lý không tích cực, tập trung trong việc giải ngân, vì cho rằng thời hạn còn dài. Việc giải ngân thường dồn vào thời gian gần cuối năm, cuối thời hạn cho phép.

Bên cạnh đó, chậm giải ngân còn do giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, năng lực nhà thầu hạn chế, thủ tục điều chỉnh, gia hạn hiệp định vốn nước ngoài chậm; do những khó khăn trong công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương; do mức áp dụng chỉ định thầu xây lắp và tư vấn hiện nay quá thấp, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại một số địa phương…

Ngoài ra, cũng phải nhắc đến chuyện một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc chỉ đạo chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, chưa tích cực trong việc hoàn chỉnh các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng thanh toán đối với các dự án theo quy định…

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Trung tuần tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, trong đó, yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là giải ngân số vốn đã được giao kế hoạch.

Ngay sau đó 1 ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số gửi các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc việc thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn các giải pháp để giao hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 còn lại.

Theo kế hoạch, nửa cuối tháng 9 này, Chính phủ sẽ có hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công. Với sự nỗ lực quyết liệt như vậy và nhất là sự vào cuộc của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện.

Hơn nữa, từ ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực, nên việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện hơn nữa. Năm 2020 là năm chuyển tiếp giữa luật cũ và luật mới, việc cải thiện có thể chưa rõ nét, nhưng hy vọng từ năm 2021, việc đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu đầu tư công sẽ tích cực hơn nhiều so với giai đoạn trước.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực