Tiếp tục phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của tỉnh Long An

Thứ tư, 24/04/2019 23:10
(ĐCSVN) - Tận dụng những thế mạnh, Long An đã bứt phá trở thành một trong những tỉnh phát triển khá ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao. Riêng năm 2018, đạt tốc độ tăng trưởng 10,36% (cao thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long).

Long An đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Long An ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Ngày 24/4, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương năm 2018, quý I/2019.

Tiếp đoàn có các đồng chí: Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An; Nguyễn Thanh Cang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An; Trương Văn Nọ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Báo cáo với đoàn công tác, đại diện lãnh đạo Long An cho biết, Long An là một trong 13 tỉnh, thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ, giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, trong những năm gần đây, tận dụng những thế mạnh, thuận lợi, Long An đã bứt phá trở thành một trong những tỉnh phát triển khá ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao trong vùng.

Trong năm 2018, Long An đạt tốc độ tăng trưởng 10,36% (cao thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 15.300 tỷ đồng (bằng 119% dự toán Trung ương giao). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 68,62 triệu đồng/người (cao hơn mức bình quân chung cả nước).

Quí I/2019, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Long An đạt nhiều kết quả khả quan, trong đó thu ngân sách đạt gần 5.000 tỷ đồng, đạt 35% dự toán và bằng 136,4% so với cùng kỳ.

Một góc khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức - Ảnh: Mai Hương

Đáng lưu ý, trong những năm gần đây Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể, số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh là 969 dự án, vốn đăng ký hơn 6,1 tỷ USD; trong đó có 576 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 3,6 tỷ USD.

Hiện, Long An có 16 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 84%; hơn 10.800 doanh nghiệp được đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký hơn 272.000 tỷ đồng; có 1.751 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký gần 213.000 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo tỉnh Long An, bên cạnh những mặt thuận lợi, Long An cũng đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tỉnh Long An kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tháo gỡ những khó khăn cho địa phương, cụ thể như: Có chính sách phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo định mức về tiêu chí dân số; phân bổ ngân sách và vốn để đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm tiếp tục đầu tư một số dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án đường từ QL 62 – Tân Hưng (đường cặp kênh 79); bổ sung trục động lực TP Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ; bố trí nguồn vốn tiếp tục xây dựng đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành – Đức Hoà); đầu tư xây dựng tuyến quốc lộ N1 kết nối Long An – Đồng Tháp – An Giang; nâng cấp dự án quốc lộ 62 (nối Quốc lộ 1 - cao tốc TP Hồ Chí Minh, Trung Lương – Quốc lộ N2 – Quốc lộ N1 và cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp)…
Trái thanh long của Long An đã có mặt trên thị trường thế giới - Ảnh: PC

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần cho biết, là địa phương đang trên đà phát triển nên Long An cũng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là giao thông. Do vậy, muốn Long An và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát triển thì phải phát triển hệ thống giao thông, bởi giao thông là huyết mạch, có tác động liên kết thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các địa phương lân cận.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An thời gian qua, nhất là trong năm 2018 tăng trưởng kinh tế đạt 10,36%, cao hơn bình quân chung của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

Để Long An phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng, lợi thế trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, Long An cần tiếp tục duy trì phát triển ổn định sản xuất trên mọi lĩnh vực, nhất là quan tâm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp; quan tâm thực hiện các thiết chế xã hội trong các khu, cụm công nghiệp để góp phần nâng cao đời sống công nhân, người lao động…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cơ cấu kinh tế Long An đang chuyển biến theo hướng tích cực, nhưng câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa thì vẫn xảy ra. Vì vậy, tỉnh phải tạo ra chuỗi kết nối sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ để đảm bảo tính ổn định và yên tâm cho người sản xuất. Đặc biệt, cần tập trung nâng cao chất lượng các loại sản phẩm, nhất là mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn thị trường quốc tế…/.    

Tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực