Tìm giải pháp cho các dự án năng lượng trọng điểm

Thứ tư, 17/07/2019 19:46
(ĐCSVN) – Theo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, việc cung cấp điện năm 2020 về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện nếu nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, thiếu hụt nguồn nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp (Ảnh: K.D)

Trước tình hình đó, ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp với một số đơn vị thuộc Bộ về các dự án năng lượng trọng điểm.

Ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, trong 6 tháng đầu năm, điện thương phẩm tăng trưởng gần 10% so cùng kỳ 2018, đặc biệt, do ảnh hưởng của nắng nóng, công suất phụ tải trong tháng 4, 5, 6 tăng mạnh. Đối với các tháng còn lại của năm, dự kiến nhu cầu điện tiếp tục tăng khoảng 10% so cùng kỳ và hệ thống điện đảm bảo cung ứng đủ điện. Về phát triển năng lượng tái tạo, ông Phương Hoàng Kim cho biết, tổng công suất điện mặt trời theo đề xuất của các nhà đầu tư đã lên đến khoảng 25.000 MW, các dự án điện gió với tổng công suất khoảng 16.500 MW. Dự kiến việc cung cấp điện năm 2020 về cơ bản đáp ứng nhu cầu nhưng tiếp tục tiềm ẩn một số rủi ro, có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan (nếu nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, thiếu hụt nguồn nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện).

Cung cấp thông tin về tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ông Phương Hoàng Kim cho biết, hiện nay, các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư gồm các dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT; các dự án đầu tư theo hình thức IPP. Tuy nhiên, tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo thẳng thắn chỉ ra rằng nhiều dự án còn chậm tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, với những nguy cơ trước mắt, có cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong nguyên nhân chủ quan có những vấn để khó khăn do chồng chéo các quy định, thủ tục nhưng cũng có những vấn đề có thể tháo gỡ. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cùng các đơn vị hữu quan của Bộ phải nhanh chóng thúc đẩy tiến độ các dự án, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bộ trưởng yêu cầu, phải xem lại các chế tài, quy định pháp luật đối với các chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới trách nhiệm của một số lãnh đạo địa phương do thiếu sự chỉ đạo quyết liệt đối với những dự án thuộc Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dẫn đến tình trạng phá vỡ kết cấu của Quy hoạch.

Đối với Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, trong đó, phải đổi mới phương thức thực hiện và cập nhật tình hình thực tế, chú ý cơ cấu nguồn và các vấn đề liên quan đến công nghệ, khung khổ pháp lý trong tương lai. Về tình hình vận hành của các nhà máy thủy điện, Bộ trưởng giao Cục Điều tiết điện lực phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm rà soát quy trình vận hành liên hồ, bổ sung quy định mới liên quan đến thời tiết cực đoan.

Bộ trưởng đồng tình với ý kiến trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Trịnh Quốc Vũ cho biết, các doanh nghiệp trọng điểm chiếm 40% mức tiêu hao năng lượng của cả nước, nếu tập trung tuyên truyền và các doanh nghiệp này sử dụng năng lượng hiệu quả thì sẽ tiết kiệm được lượng điện năng đáng kể.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và các đơn vị rà soát lại Quy hoạch điện VIII và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược; rà soát lại Nghị định 63, từ đó tìm hướng giải quyết tạo thuận lợi cho các dự án. Bộ trưởng yêu cầu Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đánh giá lại toàn bộ dự án quan trọng trong Quy hoạch điện VII, trong đó tập trung các dự án chậm tiến độ hoặc không xác định được tiến độ. Bộ trưởng nhấn mạnh, phải xác định được hệ lụy của các dự án này đối với ngành điện, xác định nguyên nhân, hậu quả, quy trách nhiệm cho từng cá nhân, cơ quan, đơn vị để quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc này.

K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực