Tìm giải pháp phát triển thị trường vốn, tài chính Việt Nam

Thứ ba, 21/08/2018 22:38
(ĐCSVN) – Chính phủ tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, cắt giảm khoảng 50% điều kiện kiểm tra chuyên ngành; tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về thể chế để phát triển thị trường tài chính...

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn chuyên đề Thị trường vốn - tài chính trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) với chủ đề "Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam - Giải pháp và thách thức" diễn ra ngày 21/8, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: K.D)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao và hoan nghênh việc tổ chức Diễn đàn chuyên đề này. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đang quan tâm đến 3 vấn đề liên quan đến việc phát triển doanh nghiệp và củng cố môi trường đầu tư. Chính phủ coi việc phát triển kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động trong khi quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ. Chính phủ tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, cắt giảm khoảng 50% điều kiện kiểm tra chuyên ngành; tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về thể chế để phát triển thị trường tài chính.

Đánh giá thực trạng thị trường hiện nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, chúng ta cần xem tình trạng cơ cấu của thị trường mất cân đối chỗ nào - giữa thị trường tín dụng với thị trường vốn. Trong hoạt động tín dụng mất cân đối giữa tỷ trọng với các dịch vụ gia tăng, như phi ngân hàng, nhiều tổ chức tín dụng chủ yếu là dựa trên nền tảng hoạt động tín dụng. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta phải phát triển thị trường theo hướng hiện đại và quốc tế, đặc biệt là giải pháp cung cấp vốn, các giải pháp cần đẩy mạnh trong công tác cổ phần hoá, thoái vốn, tái cấu trúc thị trường, tăng cường năng lực hấp thụ của hệ thống các chủ thể tham gia thị trường và củng cố tài chính ngân hàng, nhất là trong tình hình kinh tế có nhiều biến động.

Cũng theo Phó Thủ tướng, thị trường vốn và tài chính trong điều kiện cách mạng 4.0 là vấn đề Chính phủ rất quan tâm. Sắp tới, Thủ tướng sẽ trực tiếp chủ trì một hội nghị toàn quốc để bàn về vấn đề này. Bên cạnh đó là vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, nhất là đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và các giải pháp hành chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển.

Thông qua diễn đàn, Phó Thủ tướng mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về các vấn đề của thị trường tài chính, xây dựng nền kinh tế như thế nào, cải cách kinh tế ra sao.

Diễn đàn thu hút nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia. (Ảnh: K.D)

Theo ông Fiachra MacCana - Giám đốc điều hành trách nhiệm Khối Khách hàng tổ chức và nghiên cứu, Công ty CT Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), trong thị trường vốn, quỹ lưu ký có thể là giải pháp để nâng trần khối ngoại. Trong đó, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết của nhà đầu tư nước ngoài và cổ phần vàng cho nhà nước được xem là cách để tăng sở hữu nước ngoài, giúp nhà đầu tư thâm nhập sâu hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. "Đây là sáng kiến mà Việt Nam đưa cách ra cách đây 10 năm, tôi thấy rằng nếu thực hiện thành công các bạn sẽ thu lợi nhiều từ vấn đề an ninh quốc gia", ông Fiachra MacCana nhấn mạnh.

Ông Fiachra MacCana cho rằng, đã có một số ý kiến cần sửa đổi quy định hiện hành khi các doanh nghiệp nước ngoài giữ tỷ trọng vốn nhiều hơn, tuy nhiên cần nhắc tháo dỡ quy định trần vốn 49% của nhà đầu tư nước ngoài, để họ có thể nắm giữ mức trần vốn lớn hơn. Chuyên gia này cho rằng, một số doanh nghiệp nước ngoài đã niêm yết nên xem là đối tượng quan trọng. Như tại Thái Lan, việc sử dụng chứng chỉ lưu ký đã giải quyết bài toán nâng trần và vẫn đảm bảo an ninh quốc gia.

Liên quan đến thị trường trái phiếu và xếp hạng tín nhiệm, đại diện HSC đề xuất ý kiến các tổ chức tín dụng Việt Nam có thể liên kết các tổ chức tín dụng nước ngoài nhằm gia tăng tín nhiệm tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia thị trường vốn.

Sang phiên thứ hai, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước cùng đóng góp ý kiến về giải pháp tận dụng các dòng tiền nhàn rỗi trong khu vực tư nhân để thúc đẩy kinh tế; chính sách thúc đẩy và các cơ hội đa dạng hóa môi trường đầu tư...

Theo các diễn giả, cần có các giải pháp nhằm giải quyết các hạn chế của thị trường vốn - tài chính nội địa như sự thiếu hụt dòng vốn trung - dài hạn khiến các hoạt động sản xuất không có nguồn lực phát triển. Hiện nay, việc phân bổ vốn giữa các ngành kinh tế còn bất hợp lý, chưa có hệ thống giám sát hiệu quả để đảm bảo tính minh bạch của thị trường. Khung pháp lý còn yếu khiến cơ cấu thị trường chưa được định hình rõ ràng dẫn tới tình trạng bất ổn, những cơ hội xen lẫn thách thức và tác động khó lường của quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số...

Những giải pháp được đề xuất, đồng thuận tại Diễn đàn sẽ được tổng hợp báo cáo, trình lên Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phiên toàn thể diễn ra vào tháng 12 tới./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực