"Treo" hàng nghìn tỷ đồng cổ phần hoá ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh

Thứ hai, 09/09/2019 20:23
(ĐCSVN) - TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang “treo” số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN trên tài khoản tạm thu tương ứng là 8.416,485 tỷ đồng(30/6/2019) và 1.789,373 tỷ đồng (31/12/2017), trong khi nhu cầu chi ngân sách rất cấp thiết.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Quang Khánh/ĐBND)


Chiều 9/9, UBTVQH cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Quy định không thống nhất

Báo cáo về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBTVQH về việc thành lập đoàn công tác của UBTVQH để làm rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đoàn công tác đã làm việc với một số bộ, ngành và địa phương về nội dung nêu trên.

Theo báo cáo, giai đoạn từ 01/01/2018 đến nay, việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá được thực hiện thống nhất thông qua Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Về tình hình thu, chi Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số dư đến 01/1/2013 là 16.215 tỷ đồng; trong giai đoạn 2013-2018, tổng số thu là 257.497 tỷ đồng (trong đó 186.534 tỷ đồng thu từ cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn nhà nước); tổng số chi là: 221.643 tỷ đồng (trong đó nộp 155.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 26/2016/QH13 của Quốc hội; phần còn lại 66.643 tỷ đồng thực hiện chi hỗ trợ lao động dôi dư, chi bổ sung vốn điều lệ cho DNNN, chi đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp); số dư bằng tiền tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 52.067 tỷ đồng.

Đoàn công tác đánh giá, cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu sự thống nhất, một số văn bản dưới luật trái với quy định của Luật. Cụ thể, trong khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc Trung ương hoặc địa phương được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách Trung ương hoặc ngân sách địa phương, thì Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ lại quy định tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết: “Điều này đã gây khó khăn cho một số số địa phương trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa, như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang “treo” số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN trên tài khoản tạm thu tương ứng là 8.416,485 tỷ đồng (30/6/2019) và 1.789,373 tỷ đồng (31/12/2017), trong khi nhu cầu chi ngân sách rất cấp thiết. Hai địa phương đã phải có nhiều văn bản báo cáo, đề xuất xin sử dụng nguồn vốn này, trong khi theo Luật Ngân sách nhà nước khoản thu này đương nhiên thuộc ngân sách địa phương”.

Ngoài ra, theo báo cáo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc quản lý, sử dụng quỹ cũng còn một số bất cập như trường hợp Tổng công ty Tàu thủy và Tổng công ty lương thực miền Nam sử dụng Quỹ vào hoạt động kinh doanh nhưng thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, Tổng công ty Giấy Việt Nam sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa để tăng vốn điều lệ 21 tỷ đồng nhưng chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chưa kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc quyết toán và chuyển số dư về Quỹ HTSX&PTDN tại các Tập đoàn, Tổng công ty năm 2017; từ năm 2018 đến tháng 6/2019 chưa tổng hợp được số liệu chính thức về số dư Quỹ để báo cáo cấp có thẩm quyền ...

Xử lý dứt điểm kiến nghị của các địa phương

Trên cơ sở kết quả làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và các phân tích nêu trên, Đoàn công tác kiến nghị UBTVQH không cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vì các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước. Để đồng bộ với nội dung thu, chi trong Luật Ngân sách nhà nước, đề nghị xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. Theo đó, vừa sửa đổi được một số bất cập hiện nay của Luật số 69/2014/QH13 vừa bảo đảm được việc không ban hành quá nhiều văn bản quy định về cùng một nội dung, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo, đồng thời tuân thủ đúng quy định tại Điều 55 của Hiến pháp.

Mặt khác, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tránh tình trạng các văn bản dưới luật quy định trái với quy định của Luật hoặc không được sửa đổi, bổ sung kịp thời như đã nêu trên.

Đoàn công tác đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua. Đồng thời, rà soát, sửa đổi các văn bản dưới luật bảo đảm việc thực hiện đúng, đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, theo đó các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện nộp ngân sách nhà nước (thu từ DN TW nộp về NSTW, thu từ DN địa phương nộp về NS địa phương); các khoản chi cho hỗ trợ sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, bổ sung vốn nhà nước tại doanh nghiệp do NSNN bố trí.

Đoàn công tác cũng đề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm kiến nghị của các địa phương (TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh…) về quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí cho rằng, không cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thậm chí không cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (Luật số 69/2014/QH13). Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần phải quản lý theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, không thể để ngoài ngân sách và thành lập Nghị quyết này.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH thống nhất khẳng định hệ thống pháp luật hiện nay là đầy đủ, nhất là quy định rất cụ thể tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 cũng như Luật số 69/2014/QH13. Do vậy, UBTVQH và Đoàn Công tác thấy rằng, không cần thiết phải ban hành một nghị quyết về vấn đề này và cũng chưa cần phải sửa Luật số 69/2014/QH13. Đồng thời, đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có Luật Ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ của mình theo đúng thẩm quyền được quy định trong Luật.

Cũng trong chiều nay, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực