VEPR dự báo mức tăng trưởng năm 2018 đạt 6,65%

Thứ ba, 16/01/2018 15:34
(ĐCSVN) - Tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 16/1 tại Hà Nội, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo cho năm 2018 là 6,65%.
Hình ảnh tại buổi tọa đàm (Ảnh: M.P)

Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, năm 2017 có thể nói là một năm thành công của kinh tế Việt Nam khi là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra. Trong đó, GDP cả nước ước tăng 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7%, dù từ đầu năm các chuyên gia cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế không đưa ra nhiều kỳ vọng lạc quan.

Xuất siêu lớn của khu vực FDI một mặt góp phần quan trọng mang lại một năm thặng dư thương mại cao, mặt khác đặt ra câu hỏi về tính bền vững của nền kinh tế nội địa khi phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. 

Trái với những dự đoán về gia tăng lạm phát trong quý cuối năm do sự điều chỉnh giá các mặt hàng như y tế, giáo dục và xăng dầu, lạm phát quý IV đã diễn biến ổn định. Điều này phản ánh chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng như nỗ lực của các cấp trong việc kiềm chế giá cả thị trường. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư (3,4% GDP) đã giúp NHNN bổ sung lượng dự trữ ngoại hối lớn. Dự trữ ngoại hối cao giúp NHNN có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, TS Thành cho rằng, điều này tiếp tục đặt ra thách thức cho NHNN trong việc kiểm soát và trung hòa lượng ngoại tệ này nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh cùng xu hướng chung của thế giới. Chỉ số VNIndex tiệm cận mức điểm kỷ lục 1000 điểm vào những ngày cuối năm, nằm trong nhóm 05 thị trường chứng khoán tăng trưởng cao nhất thế giới. 

Thị trường khởi sắc tạo điều kiện thuận lợi cho cổ phần hoá và thoái vốn khỏi DNNN. Quá trình cổ phần hoá đã diễn ra mạnh mẽ trong năm 2017 tại các DNNN lớn, và được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2018 khi mà Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp này. 

Chỉ số xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh (EDBI) của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố cũng được cải thiện mạnh mẽ. Sau khi tăng 8 bậc từ năm 2016 sang năm 2017, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2017-2018 tiếp tục nhảy 14 bậc, phản ánh kết quả tích cực của ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách hành chính và môi trường đầu tư.

Mặc dù vậy,  ở chiều ngược lại, hàng hoá các nước cũng sẽ đổ vào Việt Nam, đặt ra thách thức lớn hơn trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước.

Kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm theo đuổi được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018. 

Tuy nhiên, đại diện VEPR cũng cho rằng nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế. Cụ thể, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan. 

Bên cạnh đó, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn. Thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công vẫn còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. 

Tại buổi tọa đàm, dự báo năm 2018, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, tăng trưởng GDP sẽ tăng khoảng 6,65%, mức lạm phát khoảng 4%./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực