Xây dựng lực lượng kiểm lâm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Thứ năm, 17/05/2018 18:44
(ĐCSVN) - Không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực sự đổi mới từ tổ chức, xây dựng lực lượng đến tư duy và phương pháp hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, địa phương,...

Đó là những yêu cầu đặt ra cho lực lượng kiểm lâm nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới được nêu ra tại Tọa đàm về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW nhân dịp 45 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 – 21/5/2018). Tọa đàm do Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 17/5, tại Hà Nội.

Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: BT)

Tại buổi Tọa đàm, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Quang Tùng đã ôn lại chặng đường 45 năm phát triển của lực lượng kiểm lâm. Theo đó, ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của lực lượng kiểm lâm Việt Nam.

45 năm qua, lực lượng kiểm lâm nhân dân đã khẳng định được vị trí quan trọng trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Từ lúc ban đầu, ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn gay go ác liệt nhất, nhân lực, phương tiện còn thiếu, trụ sở làm việc chưa có. Thời gian này lực lượng kiểm lâm gặp không ít khó khăn trong thực thi nhiệm vụ. Với chức năng chủ yếu lúc bấy giờ là bảo vệ rừng nhưng lực lượng mỏng, dàn trải, để bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm phải đánh đổi không những công sức, trí tuệ, mồ hôi mà cả bằng xương máu. Đã có nhiều tấm gương hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm để bảo vệ rừng.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, tổ chức của lực lượng kiểm lâm đã có nhiều thay đổi. Trải qua chặng đường phát triển, theo thống kê đến ngày 31/12/2017, lực lượng kiểm lâm có cơ cấu gồm Cục Kiểm lâm, 4 Chi cục Kiểm lâm vùng, 63 Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; 6 vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, 25 vườn quốc gia trực thuộc các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, năm 2017, Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Ngành lâm nghiệp trong đó có lực lượng kiểm lâm sẽ có sự chuyển biến tích cực. Kiểm lâm phải kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trước thực tế tài nguyên rừng ngày càng suy giảm, tệ nạn phá rừng, cháy rừng, khai thác và buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn xảy ra, theo Quyền Cục trưởng Đỗ Quang Tùng, lực lượng kiểm lâm cần thực sự đổi mới về chất, từ tổ chức và xây dựng lực lượng đến tư duy và phương pháp hoạt động. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục; không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực để lực lượng kiểm lâm có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đóng góp to lớn vào công cuộc bảo vệ xây dựng Tổ quốc, phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn. Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị lực lượng kiểm lâm cần nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách lâm nghiệp, đưa lâm nghiệp vào cuộc sống. Tiếp tục đổi mới hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới đất nước và hài hòa với quy định, thông lệ quốc tế.

Đồng thời, cần làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp ngay từ cấp cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật; phối hợp với các ngành, các cấp kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đại diện lực lượng kiểm lâm các địa phương khẳng định sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian tới. Đồng thời, kiến nghị cần tuyên truyền cho các cấp ủy chính quyền địa phương nhằm nắm vững được trách nhiệm trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, địa phương với nhau. Cùng với đó, đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp trong quá trình tham mưu ban hành các văn bản thực hiện Luật Lâm nghiệp cần tạo điều kiện để tổ chức lực lượng kiểm lâm thống nhất, phát huy hiệu quả; tăng cường đào tạo cán bộ, đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ và phát triển rừng./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực