Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam bứt phá

Thứ ba, 20/02/2018 14:22

(ĐCSVN) - Trở thành thuật ngữ được sử dụng nhiều nhất trong năm 2017, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư hay Công nghiệp 4.0, với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ xuyên ngành thế hệ mới, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), cùng sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số tạo ra cả cơ hội và thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như của mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân, doanh nghiệp.

Trước thềm năm mới xuân Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đại Dương về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương. Ảnh: Bích Liên

Phóng viên (PV): Thưa ông,Việt Nam được đánh giá như thế nào để tiệm cận cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Trong báo cáo “Mức độ Sẵn sàng cho tương lai của ngành sản xuất 2018” của Diễn đàn kinh tế thế giới xuất bản ngày 12/1/2018 vừa qua, khu vực ASEAN của chúng ta, khu vực kinh tế sản xuất lớn thứ năm thế giới, được đánh giá là có nhiều cơ hội để nâng cao tính sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó Việt Nam chúng ta, mặc dù vẫn đang thuộc nhóm sơ khai, nhưng với 2 chỉ số chính là “Cấu trúc của nền sản xuất” và “Yếu tố dẫn dắt sản xuất” đều đang đứng ở mức trung bình là 48 và 53 trên 100 quốc gia được đánh giá có nhiều tiềm năng và cơ hội để vươn lên.

Thực trạng phát triển trong nước cho thấy, trong thời gian qua các trụ cột chính để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và thể chế đang có những bước tiến vững chắc. Đặc biệt, hạ tầng công nghệ thông tin đang có những bước tiến lớn. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng ta đã có hơn 40.000 trạm 4G và hơn 95% dân số được phủ sóng,hơn 128 triệu thuê bao di động với gần 36,2 triệu thuê bao băng rộng di động, đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân. Thể chế của chúng ta cũng đang từng bước hoàn thiện, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Theo báo cáo đánh giá năng lực canh tranh toàn cầu (GCI) 2017, Việt Nam đã xếp hạng 55, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh 2017 của Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận sự cải thiện của Việt Nam với vị trí xếp hạn 82, tăng 9 bậc so với 2016.

Có thể nói, chúng ta đang có những điều kiện thuận lợi cũng như những sự tiếp cận cơ bản và vững chắc để tận dụng được những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

PV: Đó là những điều kiện “cần”, còn điều kiện “ đủ”  là gì thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Như tôi đã trao đổi tại Hội thảo Công nghiệp thông minh do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào tháng 12/2017, để có thể tận dụng thành công cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của Việt Nam dựa trên nhân tố đột phá là đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng các chính sách. Đặc biệt là các chính sách hướng tới phát triển công nghiệp 4.0, chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp chuyển đổi số hoá, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp cũng cần tích cực, chủ động hơn trong phối hợp với Chính phủ, chia sẻ với Chính phủ về nguồn lực để phát triển hạ tầng, tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chúng ta cần có chiến lược hợp tác cụ thể với các quốc gia đi đầu trong khu vực để cùng phát triển những thế mạnh của mình, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Giáo dục và đào tạo, đặc biệt là dạy nghề cũng cần được đổi mới một cách căn bản là quyết liệt.

Trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều giải pháp quan trọng. Sau hơn 7 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, một số bộ, ban ngành trung ương đã được giao xây dựng Chiến lược, Chương trình trọng điểm cấp Quốc gia về cuộc cách mạng lần thứ tư. Trong năm tới, khi các Chiến lược và Chương trình này được hoàn thành và công bố, chúng ta sẽ có một kế hoạch tổng thể để có thể “tận dụng tối đa những lợi thế và giảm thiểu các tác động tiêu cực” như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Chỉ thị 16/CT-TTg.

PV: Vậy doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm gì để tận dụng cơ hội cách mạng 4.0, thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Việc đầu tiên, theo tôi, là các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, cũng như người dân và xã hội, cần phải có một nhận thức đầy đủ và đúng đắn về những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối với các doanh nghiệp, vì mỗi doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau, ở những mức độ và thị trường khác nhau thì sẽ chịu những tác động khác nhau và có những cơ hội khác nhau.

Bên cạnh đó, nếu nói cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng công nghiệp của kết nối của khoa học và công nghệ, của đổi mới sáng tạo thì các doanh nghiệp của chúng ta cần phải xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các đối tác trong chuỗi sản phẩm, đặt mình trong bối cảnh của thị trường khu vực và thế giới, để chủ động hơn trong đổi mới sáng tạo, trong phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh của mình. Từ đó, cung cấp được các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của khu vực và thế giới, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tất nhiên, cũng như Chính phủ đang nghiên cứu, đánh giá để xây dựng Chiến lược, kế hoạch tiếp cận phù hợp thì các doanh nghiệp, tùy theo đặc điểm của mình, cũng cần có những phương án tiếp cận tương ứng, tránh trường hợp chạy theo xu thế mà không hiệu quả.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Liên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực