Cần đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS và THPT

Thứ ba, 31/12/2013 09:34

(ĐCSVN) - Tâm lý hiện nay của nhiều học sinh cũng như phụ huynh là sau khi tốt nghiệp THCS thì phải vào bằng được THPT, tốt nghiệp THPT xong thì phải vào đại học. Thực tế này không chỉ gây lãng phí mà còn gây khó khăn cho việc phân hoá nhân lực phù hợp với nhu cầu xã hội.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Hải, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội).

PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng của công tác đào tạo nghề cho học sinh tại các trường nghề hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Hải: Theo tôi, chất lượng đào tạo nghề cho học sinh tại các trường nghề hiện nay cơ bản là tốt. Điều này được thể hiện thông qua việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành chương trình khung thống nhất toàn quốc. Chương trình khung đào tạo trình độ cao đẳng nghề với tổng quỹ thời gian 3.750 giờ; chương trình khung đào tạo trình độ trung nghề với tổng quỹ thời gian 2.550 giờ; trong đó có 70% thời gian học thực hành. Với quỹ thời gian này đủ để học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức, phát triển kỹ năng, hình thành kỹ xảo nghề nghiệp ra trường có thể bắt nhịp ngay với cuộc sống lao động nghề nghiệp.

 

 Đẩy mạnh phân luồng học sinh sẽ tránh lãng phí trong đào tạo nguồn nhân lực.
 Ảnh:ktđt.vn


Để đảm bảo các bài tập thực hành, Bộ còn ban hành danh mục các thiết bị dạy nghề cho từng nghề và cụ thể hóa đến từng bài học đủ điều kiện để học sinh, sinh viên rèn luyện tay nghề trong đào tạo.

Trình độ, tiêu chuẩn của giáo viên dạy nghề cũng được quy định rõ, đủ để dìu dắt học sinh, sinh viên, truyền đạt kỹ năng, kỹ xảo cho người học trong quá trình đào tạo.

PV: Thưa ông, hiện nước ta đang thiếu lao động có tay nghề nhưng nhiều cơ sở đào tạo nghề lại không tuyển được học sinh? Ông nghĩ thế nào về hình trạng này?

Ông Nguyễn Đức Hải: Hiện nay nước ta đang thiếu lao động có tay nghề nhưng nhiều cơ sở đào tạo lại không tuyển được học sinh, đó là một thực tế. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có tâm lý các phụ huynh và người học cho rằng học nghề là bậc thấp trong xã hội, ai cũng muốn học đại học, cao đẳng và cho đấy mới là học chính quy còn học nghề là học đề làm việc chân tay không có hướng phát triển.

Mặt khác, trong việc xếp lương chưa rõ, ở từng trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề mức lương xếp như thế nào có hấp dẫn không...

Hiện nay nhà nước chưa yêu cầu người sử dụng lao động phải tuyển người có bằng nghề nên một số doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông vào và tự đào tạo, chi phí đỡ tốn kém, họ chỉ đào tạo một nội dung công việc cần cho họ nên người lao động phải gắn bó với họ lâu dài.

PV: Là người đứng đầu một cơ sở đào tạo, theo ông để thu hút học sinh học nghề, khó khăn nhất là gì?

Ông Nguyễn Đức Hải: Cái khó hiện nay là tư duy của bố mẹ vẫn chưa định hướng cho con học xong trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ theo học nghề mà phải vào học đại học. Cho con đi học nghề thì khát vọng của gia đình chưa thỏa mãn.

Một vấn đề nữa là hiện nay giáo dục chưa có nhiều chính sách định hướng cho người học theo kiểu năng lực đến đâu thì học nghề, đến đâu thì học hàn lâm... Những cơ chế đó đã có tổ chức nhưng chưa hình thành nề nếp nên người học không mặn mà với học nghề là vậy. Bên cạnh đó, chính sách dành cho dạy nghề cũng chưa tương thích với thực tiễn nên chưa phân luồng được học sinh đi học nghề.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực