Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 3 năm nhìn lại

Thứ sáu, 13/12/2013 18:11

(ĐCSVN) - Ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đề án đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn và hoàn thành mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

 Dạy nghề đan làm ghế mây cho nông dân xã Tân Tiến, TP. Vị Thanh,
tỉnh hậu Giang. Ảnh:danviet.vn

Đây là đề án có quy mô lớn nhất cho dạy nghề ở nông thôn và cũng là đề án có tổng kinh phí đầu tư cho dạy nghề lớn nhất từ trước tới nay. Đề án là một chương trình hoạt động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân được người lao động đặt nhiều kỳ vọng.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ dạy nghề cho gần 17 triệu lao động nông thôn nhằm mở ra nhiều cơ hội việc làm và tạo thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông thôn. Trong đó, giai đoạn 2009 – 2010 dạy nghề cho khoảng 800.000 lao động; giai đoạn 2011 – 2015 đào tạo nghề cho 5,2 triệu lao động (bồi dưỡng kiến thức 500.000 cán bộ, công chức xã); giai đoạn 2016 – 2020 đào tạo nghề cho 6 triệu lao động (bồi dưỡng kiến thức 500.000 cán bộ công chức xã). Như vậy, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động (đào tạo, bồi dưỡng 10.000 lượt cán bộ, công chức xã). Cũng theo mục tiêu của Đề án, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu từ 70- 80%. Tổng kinh phí của đề án dự kiến là 25.980 tỷ đồng, trong đó kinh phí dạy nghề lao động nông thôn là 24.694 tỷ đồng; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã 1.286 tỷ đồng.

Theo thống kê của Tổng Cục dạy nghề, tính từ năm 2010 đến hết tháng 6/2013 đã hỗ trợ dạy nghề theo chính sách của Đề án được 1.294.608 người. Trong đó 78,9% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất thu nhập cao hơn, 44,1% có việc làm nông nghiệp, 23,5% được doanh nghiệp tuyển dụng… Người học nghề nông nghiệp đã tiếp thu được kiến thức, kỹ năng cơ bản để hành nghề trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao chất lượng và giảm chi phí sản xuất, thu nhập. Nghề trồng thuốc lá tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Tây Ninh, Gia Lai… sản lượng tăng 15 – 20%. Nghề trồng sắn ở Quảng Trị năng suất tăng 1,5 lần, đạt 17 – 18 tấn/ha, thu nhập đạt 40 – 50 triệu/ha. Nghề trồng lúa chất lượng cao ở Hậu Giang, sản lượng tăng từ 0,5 – 0,7 tấn/ha/vụ, giảm chi phí sản xuất từ 2 – 2,3 triệu đồng/ha so với trước khi học do người học biết cách tính toán… Đã có nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả, nhiều điển hình lao động đã trở thành chủ trang trại, tổ hợp tác. Đơn cử như chị Phan Thị Hạnh ở xã Tam Tiến, Yên Thế, Bắc Giang, từ học nghề nuôi gà đồi, chị đã tổ chức nuôi gà mía thả đồi, thu nhập từ nuôi gà khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm. Anh Đỗ Văn Trường ở xã Hải Đường, Hải Hậu, Nam Định học nghề mộc mỹ nghệ và đã lập tổ sản xuất 25 lao động, thu nhập của lao động 120.000-150.000 đồng/người/ngày… Đó chỉ là hai trong số nhiều lao động nông thôn tìm được hướng đi đúng sau khi học nghề, đã giúp họ đổi đời, thoát nghèo và tạo công ăn việc làm cho bà con trong xã.

 

 Ảnh minh họa. Nguồn internet

Bên cạnh đó, một thực trạng tồn tại là nông dân vẫn rời làng quê ra thành phố kiếm việc làm, nông thôn hoang vắng. Vậy câu hỏi đặt ra là việc đào tạo nghề đã thực sự hiệu quả và còn tồn tại nhiều bất cập?

Tỷ lệ lao động “sống” được với nghề còn ít, các ngành nghề phi nông nghiệp hầu như không có người học vì nhu cầu sử dụng lao động phi nông nghiệp tại các vùng nông thôn rất ít. Trong khi đó, một số nghề mà học viên có nhu cầu thật sự lại không có trong danh mục đào tạo nghề. Bất cập nhất là việc đào tạo nghề ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa tính đến tính khả dụng của nghề sau khi được đào tạo và cả đặc điểm đại lý, văn hóa các vùng này. Đề án được đầu tư lớn, nhưng nhiều lao động nông thôn khi được đào tạo xong vẫn không có việc làm, nhiều người vẫn làm nghề nông hoặc sản xuất theo phương thức cũ. Một số lao động vẫn không tha thiết với dạy nghề mà tìm kiếm các cơ hội việc làm tại các thành phố lớn do người lao động không có vốn để chuyển sang nghề mới, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, thời gian học ngắn không đủ để thành thạo nghề. Dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay mới chỉ đạt đến hiệu quả đào tạo, đào tạo cho đủ chỉ tiêu, chứ chưa chú trọng gắn với nhu cầu của xã hội.

Việc đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của xã hội. Hàng năm có kế hoạch khảo sát thị trường lao động, nắm bắt kịp thời thông tin lao động theo từng nghề để có cơ sở tư vấn, định hướng kịp thời cho người lao động xác định chọn đúng nghề để học hoặc tự tạo được việc làm ổn định, tránh tình trạng người lao động sau khi đào tạo không tìm được việc làm hoặc không tự tạo được việc làm phù hợp gây lãng phí tiền của Nhà nước cũng như công sức, thời gian của người đi học.

Hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là một cách thức quan trọng để thu hút người lao động học nghề và gắn bó với nghề mà mình được học. Có như vậy người lao động mới mặn mà với các chương trình đào tạo do đề án mang lại.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần đúng người, đúng nghề, các chương trình giảng dạy phong phú, phù hợp với đối tượng về trình độ, năng lực và cả địa bàn cư trú.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực