Đồng Nai: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với đặc thù kinh tế địa phương

Thứ hai, 28/10/2013 10:01

Ban Chỉ đạo về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, qua 3 năm triển khai (từ năm 2010 đến nay), toàn tỉnh đã có gần 30 ngàn người được đào tạo nghề, với trên 24 ngàn người đã tốt nghiệp các khóa học nghề.

 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).
 Ảnh: báo Đồng Nai 

Trong đó, có trên 20 ngàn người đã có việc làm hoặc có thể nâng cao thu nhập thông qua việc học nghề, đạt 82%. Số người học nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chiếm 62,35% và học nghề nông nghiệp chỉ chiếm 37,65%. Tổng ngân sách đã chi đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong toàn tỉnh giai đoạn này đã lên gần 59 tỷ đồng.

Tuy vậy, theo đánh giá, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập: Các ngành nghề đào tạo vẫn chưa thật sự phù hợp với các đối tượng lao động nông thôn, chưa gắn với quy hoạch phát triển của địa phương cũng như nhu cầu của xã hội. Đây là nguyên nhân khiến nhiều lao động nông thôn vẫn chưa mặn mà với Đề án.

Trong thời gian tới, rút kinh nghiệm những mặt được và chưa được trong 3 năm đào tạo nghề ở các địa phương, Ban chỉ đạo sẽ loại bỏ những ngành nghề không phù hợp với nhu cầu ở vùng nông thôn như: Cắm hoa, nấu ăn, cắt tóc, trang điểm..., thay vào đó, các địa phương tập trung đào tạo những nghề gắn với thế mạnh và đặc thù kinh tế của từng vùng./.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo sẽ tập trung nhiều giải pháp nhằm kịp thời chấn chỉnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo các cơ sở dạy nghề đổi mới, chỉnh sửa chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học nghề. Các đơn vị chức năng tiến hành rà soát lại kế hoạch, nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, chú trọng đào tạo các ngành, nghề phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nhu cầu thị trường./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực