Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo nghề hiện nay

Thứ hai, 23/12/2013 14:39

(ĐCSVN) - Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn sau 3 năm (từ 2010 - 2012) triển khai đã đạt được những kết quả khả quan, tạo được chuyển biến cơ bản, quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai đề án cũng còn nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết.

Trên 1 triệu lao động nông thôn được dạy nghề

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 thực hiện trong 11 năm (2010-2020) với mục tiêu: dạy nghề cho khoảng 10,6 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho 6,54 triệu người theo chính sách của Đề án. Đào tạo, bồi dưỡng 1,1 triệu lượt cán bộ, công chức xã.

Theo lộ trình thực hiện Đề án, trong những năm đầu tập trung vào xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện thí điểm các mô hình dạy nghề; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình, tài liệu dạy nghề, bồi dưỡng giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956 cho thấy, sau 3 năm thực hiện Đề án (2010 - 2012), hơn 1 triệu lao động nông thôn đã được dạy nghề. Trên 61% lao động nông thôn sau khi học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên, góp phần tăng thu nhập.

 

Các học viên ở huyện Yên Thành (Nghệ An) tham gia lớp học trồng nấm.
Ảnh: vov.vn


Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Một bộ phận lao động ở nông thôn đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác xã, giải quyết việc làm cho bản thân và các lao động khác. Số người thoát nghèo, số người có thu nhập khá tăng, có nhiều hộ làm giàu, thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm. Bước đầu đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Đáng lưu ý, một số địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tổ chức đào tạo nghề, hỗ tợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới điển hình như: Bắc Giang với sản phẩm gà đồi Yên Thế; Bắc Kạn với cây dong riềng và sản phẩm miến dong; Hà Nam, Hậu Giang nuôi lợn trên đệm sinh học; Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định dạy nghề máy trưởng, thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ....

Điển hình là tại tỉnh Bắc Giang, trong 3 năm thực hiện Đề án, Bắc Giang đã chú trọng đào tạo nghề chăn nuôi gà đồi và nhân rộng mô hình chăn nuôi này ở 5 huyện. Trên 80% lao động sau khi học nghề đã biết vận dụng kiến thức cơ bản vào việc chăm sóc, phòng và chữa một số bệnh thông thường ở đàn gà. Nhiều người có kỹ thuật được học đã mạnh dạn tăng quy mô sản xuất kinh doanh từ 5 -10 lần, thu nhập đã tăng từ 3 -6 lần. Hiện nay, đàn gà của toàn tỉnh đã đạt trên 15 triệu con, đứng thứ ba toàn quốc. Hiệu quả từ việc chăn nuôi gà đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống nhân dân được cải thiện lớn.

Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 3 năm triển khai đề án 1956 cũng còn nhiều hạn chế, bất cập như: Công tác dạy nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế; thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới...

Cùng với đó, một số nơi, dạy nghề còn chạy theo số lượng, chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu người học và người sử dụng lao động.

Điều đáng nói là, mạng lưới cơ sở dạy nghề và hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn hiện vẫn còn nhiều bất cập. Một số trung tâm dạy nghề có cơ sở vật chất nhưng hoạt động theo “mô hình” 1 giám đốc, 1 kế toán, 1 bảo vệ mà… không có giáo viên dạy nghề". 5 địa phương Ninh Bình, Yên Bái, TP.Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cà Mau không đạt tỷ lệ 70% lao động có việc làm sau học nghề.

Tại tỉnh Cao Bằng, có xã chỉ có 100 xe máy nhưng lại huy động đến 35 người đi học nghề sửa xe gắn máy. Việc dạy vi tính văn phòng cho lao động nông thôn tại tỉnh này cũng được đánh giá chưa hiệu quả, bởi thời gian học 3 tháng thì người dân không thể thành thạo được. Trái lại, dân trồng lúa chỉ cần tập huấn 2 tuần về hai kỹ năng quan trọng là phát hiện sớm sâu bệnh, kỹ thuật sơ chế sản phẩm… thì các tỉnh lại tổ chức cho nông dân học trong 3 tháng về những kiến thức nông dân đã biết, đã được phục vụ (chọn giống, thủy lợi…).

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 1956 mới đây, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956 cũng đã thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần khắc phục đó là: Một số huyện và nhiều xã trong cả nước hiện nay chưa có Ban chỉ đạo; chất lượng chương trình dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, còn nặng về lý thuyết thiếu tính thực hành. Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dạy nghề đối với cán bộ cấp huyện, xã hiệu quả chưa cao; việc lập, phê duyệt kế hoạch, kinh phí hỗ trợ dạy nghề ở nhiều địa phương thực hiện chưa đúng và chưa thật sự quan tâm đến việc hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề, đặc biệt là vốn và thị trường đầu ra cho sản phẩm do người dân tạo ra…

Những vấn đề đặt ra

Theo đánh giá của nhiều địa phương, bài toán phát triển bền vững cho công tác dạy nghề - việc làm đối với lao động nông hiện nay còn rất nan giải, bởi lao động địa phương chưa thực sự mặn mà với học nghề; giáo viên thậm chí phải đi đến từng nhà “mời” học viên đến lớp.

Bên cạnh đó, giáo cụ dạy nghề còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, cho nên học viên ra trường không bắt nhịp được với công việc; những dự án liên kết vẫn đang ở trong giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”. Do đó, điều quan trọng đặt ra là công tác dạy nghề cần gắn doanh nghiệp, cũng như sự vào cuộc của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Một lãnh đạo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã từng bộc bạch, lâu nay việc dạy nghề cho lao động nông thôn ở Hà Nội thường không đạt chỉ tiêu đề ra là do tư tưởng coi trọng bằng cấp của người dân, thích làm thầy hơn làm thợ, chỉ muốn con em mình đi học đại học mà không muốn đi học làm công nhân.

 

Dạy nghề cho lao động nông thôn tại Bắc Giang. Ảnh: Hữu Việt/TTXVN


Mặt khác, tâm lý chung của người dân là đi học nghề tốn thời gian, phải nghỉ làm, ảnh hưởng đến thu nhập đang có. Thậm chí, có người còn cho rằng không cần thiết phải học nghề cũng có thể làm việc được thông qua học hỏi kinh nghiệm, rằng học nghề ra cũng chưa chắc có thể tìm được việc làm...

Thêm vào đó, Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" mặc dù đã có hiệu lực gần 4 năm, nhưng nhiều lao động khu vực nông thôn ở Hà Nội vẫn chưa biết đến. Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều đã tổ chức tuyên truyền, giới thiệu về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, song không phải ai cũng nắm rõ về chương trình này. Thậm chí, có người đăng ký tham gia học nghề chỉ vì mục đích được hưởng tiền ăn, tiền đi lại...

Theo đề xuất của Ban chỉ đạo 1956 tỉnh Điện Biên, hiện nay các nguồn vốn hỗ trợ lao động nông thôn học nghề được giao cho nhiều ngành tham gia quản ký theo các chương trình, đề án khác nhau, do vậy sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi, tổng hợp, thống kê báo cáo và quản lý chất lượng dạy nghề, vì vậy đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956 ban hành quy định thống nhất một đầu mối để quản lý đối tượng lao động nông thôn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ dạy nghề.

Về chính sách đối với người học nghề, Ban chỉ đạo 1956 tỉnh Điện Biên cho rằng, đối với các tỉnh miền núi, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung; một số nghề phải huy động học viên từ nhiều xã mới đảm bảo để tổ chức một lớp dạy nghề; số lao động này trong thời gian học không thể đi về trong ngày được, vì vậy đề nghị nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 15.000 đồng/ người/ngày lên 25.000 đồng/ngày/người đối với các lớp học cách xa nơi cư trứ dưới 15 km; và nâng mức hỗ trợ tiền ăn lên 35.000 đồng/người/ngày đối với các lớp học tổ chức cách xa nơi cư trú từ 15km trở lên.

Cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền ăn lên 30.000 đồng/người/ngày thực học, tăng mức hỗ trợ tiền đi lại, Ban chỉ đạo 1956 tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Trung ương cần có văn bản hướng dẫn các tiêu chuẩn, tiêu chí hoạt động của Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu đầu tư bằng nguồn kinh phí theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề xuất Trung ương cần phân bổ kinh phí đào tạo và mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy nghề cho lao động nông thôn khoảng 20 tỷ đồng/ năm để địa phương có điều kiện hoàn thành mục tiêu đào tạo nghề trước thời hạn...

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một chủ trương đúng đắn nhưng cần có một lộ trình lâu dài và thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu ” giúp người dân hiểu được giá trị của học nghề. Điều quan trọng hơn, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền và không phải làm ngày một ngày hai mà phải có sự đồng bộ, có quyết tâm góp phần phát triển kinh tế từng gia đình và xây dựng đề án nông thôn mới tại mỗi địa phương../.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực