Tỉnh Hà Giang: Gắn dạy nghề cho lao động nông thôn với Chương trình xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 04/12/2013 10:47

(ĐCSVN) - Hà Giang là tỉnh địa đầu cực Bắc của tổ quốc, những năm qua, trong quá trình tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chú trọng gắn với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, coi đó là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công chương trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Một trong các tiêu chí về nông thôn mới đối với các xã vùng Trung du và miền núi phía Bắc là tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phải đạt 45% cơ cấu lao động. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang xác định làm tốt công tác dạy nghề, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động ở nông thôn, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động là người dân tộc thiểu số sẽ là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
 

 

Một buổi tư vấn học nghề và việc làm cho thanh niên
do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang tổ chức. (Ảnh: Báo Hà Giang)


Trên cơ sở bám sát vào mục tiêu đã đạt ra, Hà Giang đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác dạy nghề, nhờ vậy hệ thống các Trường Dạy nghề và Trung tâm Hướng nghiệp không ngừng được củng cố và mở rộng. Nhận thức về học nghề của người dân được nâng lên. Những học viên tốt nghiệp các lớp học nghề nông nghiệp đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Đối với các học viên học các nghề phi nông nghiệp như: điện dân dụng, kỹ thuật gò hàn, sửa chữa xe máy… sau khi học nghề đã có việc làm mới, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua các lớp dạy nghề đã góp phần khôi phục lại các cơ sở sản xuất truyền thống, mở rộng sản xuất kinh doanh. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2010 – 2012), các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo nghề cho 52.470 người, trong đó, cao đẳng nghề và trung cấp nghề 3.483 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng được 48.987 người. Tổng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nghề cho lao động nông thôn là gần 145,3 tỷ đồng; từ các chương trình xã hội hóa được hơn 14,8 tỷ đồng.

Riêng đối với công tác xuất khẩu lao động, trong thời gian 2 năm (2011 – 2012), đã tuyển dụng được 213 lao động xuất cảnh ra nước ngoài làm việc có nguồn thu nhập ổn định. Trung bình mỗi lao động làm việc ở Malasia gửi về gia đình 3,5 triệu đồng/tháng; lao động ở Đài Loan gửi về gia đình 7,5 triệu đồng/tháng; lao động tại Hàn Quốc gửi về khoảng 18 triệu đồng/tháng; lao động tại Nhật Bản gửi về 30 triệu đồng/tháng… Chính nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động gửi về đã giúp cho nhiều hộ gia đình ở Hà Giang thoát nghèo, nhất là đối với các gia đình dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao.

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang khẳng định, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác dạy nghề và xuất khẩu lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang đã đề ra kế hoạch dạy nghề và xuất khẩu lao động giai đoạn 2013 – 2015 với những giải pháp cụ thể như: Tăng cường thông tin sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò của công tác dạy nghề đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; huy động các nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao các trang thiết bị giảng dạy; bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo trong giai đoạn mới; tiếp tục điều tra, rà soát lại các ngành nghề đang đào tạo, nhu cầu theo học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nhằm ký kết hợp đồng giữa 3 bên trước khi mở các lớp dạy nghề; đăng ký số lượng và lựa chọn ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của mỗi địa phương. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, phấn đấu từ 2013 - 2015 mỗi năm sẽ có khoảng 300 lao động ra nước ngoài làm việc; tiếp tục nâng cao trình độ, chất lượng nguồn lao động khi các nước có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao; thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi đi xuất khẩu lao động.

  

Cán bộ Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên thường xuyên xuống cơ sở
trực tiếp hướng dẫn nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số (Ảnh: Báo Hà Giang)

Đã có nhiều huyện, thị trong tỉnh Hà Giang thực hiện rất tốt công tác dạy nghề, giải quyết việc làm ổn định cho lao động nông thôn, huyện Vị Xuyên là một ví dụ điển hình.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã có trên 35% số người được học các nghề phi nông nghiệp, sau khi tốt nghiệp đã tự tìm được việc làm tại các cơ sở của doanh nghiệp trên địa bàn, hoặc tự tạo việc làm tại chỗ; nhiều nông dân sau khi học nghề đã tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề, mạnh dạn vay vốn đầu tư cơ sở sản xuất mang lại nguồn thu nhập cao cho bản thân và tạo việc làm cho các lao động khác. Bên cạnh đó, nhằm không ngừng nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, đáp ứng tiêu chí về nâng cao thu nhập của người nông dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên cũng đã đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp như mở các lớp về kỹ thuật gieo trồng các loại cây lương thực, thực phẩm, kỹ thuật chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm chủ yếu trên địa bàn, nhờ đó đã giúp người nông dân nâng cao thu nhập từ chính trên đồng ruộng và chuồng trại chăn nuôi của gia đình mình. Vì vậy trong thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên đã cơ bản đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại các vùng nông thôn trong huyện gắn với các tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Phạm Đức Thụ, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên: "Xác định dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới, Trung tâm Dạy nghề của huyện luôn đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo nhằm phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn của địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2015 sẽ đào tạo nghề cho 5.850 lao động nông thôn trong huyện, trong đó đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 5.660 lao động nông thôn, đào tạo trung cấp nghề cho 150 lao động; đào tạo Cao đẳng cho khoảng 40 lao động. Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động nông thôn được học các nghề phi nông nghiệp đạt trên 40%".

Chính qua việc đội ngũ lao động ở vùng nông thôn của huyện Vị Xuyên nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung được đào tạo nghề đã góp phần rất lớn tạo công ăn việc làm cho bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời qua đó cũng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm cho bộ mặt vùng thôn quê tỉnh vùng cao phía Bắc ngày càng khởi sắc./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực