Bình Thuận: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ sáu, 02/08/2013 15:57

Sáng 2/8, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức chương trình Tọa đàm “Thanh niên học nghề - Lập nghiệp”. Đây là một trong những hoạt động của Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015”.

 

 Ảnh minh họa (nguồn: thainguyen.gov.vn)


Trong 3 năm qua, tổ chức Đoàn luôn đồng hành cùng thanh niên trong vấn đề giải quyết việc làm và định hướng nghề nghiệp với các hoạt động thiết thực ý nghĩa. Để giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở nông thôn, đồng thời để khôi phục làng nghề truyền thống của các dân tộc Chăm, K’Ho gắn kết với phục vụ du lịch, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức các lớp dạy dệt thổ cẩm, làm đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu vỏ ốc, sò, đan lục bình, bẹ chuối…Bên cạnh đó, các cấp Đoàn còn phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh tổ chức 240 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với thực tế địa phương cho thanh niên; tổ chức các khóa học “Khởi sự doanh nghiệp”, thành lập các câu lạc bộ “Thanh niên lập thân - lập nghiệp”, “Tư vấn mùa thi”… Đến nay, toàn tỉnh đã dạy nghề cho hơn 31.000 thanh niên, trong đó chủ yếu là thanh niên nông thôn.

Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã cũng nhau thảo luận về những nguyên nhân, vướng mắc: Phần lớn đều dạy nghề ngắn hạn, chưa có sự chuyên sâu, chất lượng ở một số ngành nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động; đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng ngành nghề đào tạo lại không phù hợp dẫn đến tình trạng không có việc làm sau khi học nghề… Anh Vũ Ngọc Nam, Phó Bí thư Đoàn Thị xã La Gi cho biết: Hiện tại trên địa bàn thị xã chỉ có một công ty may thu hút được người lao động còn lại phần lớn thanh niên địa phương đều là lao động biển và làm nông. Trong danh mục 17 nghề đào tạo thì chỉ có một số nghề đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp lẫn người lao động. Còn một số ngành nghề đào tạo ngắn hạn như: tin học văn phòng, sửa máy vi tính, sửa chữa máy lạnh… đa phần sau khi học nghề ra trường không có việc làm, quay về làm công việc cũ (chiếm 70%). Chính vì vậy, rất nhiều đoàn viên, thanh niên không mặn mà với việc học nghề, công tác tư vấn hướng nghiệp gặp khó khăn.

Đồng thời, tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác tư vấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chẳng hạn như: mở rộng danh mục nghề đào tạo nghề phù hợp với thực tế như chăm sóc thú y, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…; trước khi đào tạo cần thu thập nguyện vọng của các bạn đoàn viên, thanh niên kết hợp nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp để đảm bảo việc làm; đào tạo chuyên sâu, dài ngày; kết hợp dạy nghề với hỗ trợ vay vốn, cây, con giống để thanh niên mạnh dạn lập nghiệp…/.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực