Chương trình dạy nghề phải tiếp cận với trình độ dạy nghề tiên tiến của khu vực và thế giới

Thứ ba, 19/11/2013 12:49

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: baodanang.vn)

(ĐCSVN) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 29/2013/TT-BLĐTBXH quy định về xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia.

Thông tư này áp dụng cho trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề lựa chọn giảng dạy nghề trọng điểm cấp độ quốc gia trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Theo đó, chương trình dạy nghề trình độ trung cấp, cao đẳng phải bảo đảm mục tiêu dạy nghề theo quy định của pháp luật; tên nghề phải trùng với tên nghề đã được quy định ở Danh mục nghề trọng điểm cấp độ quốc gia trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; kiến thức, kỹ năng được xây dựng theo mục tiêu đào tạo và các qui định trong chương trình khung, theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia hoặc chuẩn kiến thức, kỹ năng được xác định trên cơ sở phân tích nghề, phân tích công việc của nghề tương ứng; bảo đảm tính khoa học, hệ thống, thực tiễn và linh hoạt nhằm đáp ứng sự thay đổi của khoa học, kỹ thuật và thị trường lao động; phân bố hợp lý thời gian giữa kiến thức, kỹ năng nghề và trình tự thực hiện các môn học, mô đun để thực hiện mục tiêu dạy nghề; bảo đảm tính liên thông giữa các trình độ dạy nghề, đồng thời có tính đến liên thông với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân; tiếp cận với trình độ dạy nghề tiên tiến của khu vực và thế giới...

Ban chủ nhiệm xây dựng chương trình do Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thành lập trên cơ sở đề xuất các thành viên tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, địa phương, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty và các trường nghề có nghề tương ứng được lựa chọn nghề trọng điểm quốc gia hoặc các trường có liên quan để thực hiện nhiệm vụ xây dựng chương trình dạy nghề cho từng nghề, từng cấp trình độ đào tạo. Số lượng thành viên của ban chủ nhiệm có từ 7 hoặc 9 thành viên, tùy theo khối lượng công việc xây dựng chương trình dạy nghề cho từng nghề; có trình độ đại học trở lên, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy hoặc hoạt động trong lĩnh vực của nghề; có uy tín trong giảng dạy của nghề, quản lý dạy nghề...

Thông tư cũng quy định rõ về nội dung, cấu trúc, thời gian khóa học chương trình dạy nghề, các vấn đề liên quan đến giáo trình dạy nghề.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/12/2013.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực