Doanh nghiệp và trường nghề phải liên kết chặt chẽ để tạo việc làm bền vững

Thứ năm, 25/07/2013 15:59

Ngày 24/7, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Tây Ban Nha tổ chức hội thảo “Hoàn thiện quy định của luật dạy nghề về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp hướng tới việc làm bền vững”. Trong đó, các đại biểu cho rằng, cần có quy định cụ thể để tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với trường nghề trong đào tạo và sử dụng lao động.

 

 Ảnh minh họa (nguồn: vccinews.vn)


Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến xung quanh vấn đề khúc mắc giữa đào tạo và sử dụng lao động hiện nay, đóng góp ý kiến để tìm ra giải pháp nhằm hoàn chỉnh luật dạy nghề, hướng tới tạo việc làm ổn định cho người lao động. Theo ông Nghiêm Trọng Quý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề: Hiện nay, dù doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề (trường nghề) có điểm chung, đó là doanh nghiệp muốn lao động có tay nghề tốt, phù hợp nhu cầu sản xuất, kinh doanh của mình; trong khi trường nghề cũng muốn “sản phẩm” đào tạo của mình chất lượng, tay nghề cao, nhưng hai bên lại chưa gắn kết với nhau được. Để khắc phục những bất cập hiện nay, ông Quý đề xuất cần sửa đổi quy định hiện có, đưa ra giải pháp, có thể bằng các văn bản dưới luật, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp và trường nghề; không thể để đào tạo và nhu cầu vênh nhau quá lớn như hiện nay, dẫn đến lãng phí khi phải đào tạo lại.

Hiện ở Việt Nam , chỉ có một số tập đoàn, doanh nghiệp chủ động liên kết với nhà trường hoặc tự thành lập các trường nghề để đào tạo lao động theo nhu cầu của mình như tập đoàn FPT, Intel Việt Nam , Bosch Việt Nam ... Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng dạy nghề - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp chủ động trong việc liên kết với nhà trường luôn mang lại cho họ những lao động đáp ứng yêu cầu. Họ không chọn trường theo “tiếng tăm”, mà chủ yếu chú trọng theo dõi các trường đào tạo thế nào, trường đó có công nghệ, máy móc phù hợp với doanh nghiệp hay không, từ đó tránh được trường hợp lao động đào tạo “lệch pha”. Về vấn đề trên, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: Chính doanh nghiệp cần phải hỗ trợ cho trường trong việc đào tạo giáo viên, cải tiến công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu dạy và học. Bởi vì, bản thân nhà trường rất khó đầu tư, đổi mới công nghệ liên tục vì kinh phí hạn chế. Do đó, luật cần quy định rõ vai trò của các tổ chức, đại diện người sử dụng lao động, các hiệp hội, doanh nghiệp đối với công tác đào tạo nghề, theo đó doanh nghiệp phải đóng góp vào quỹ dạy nghề. Tuy nhiên, cần quy định rõ đóng góp như thế nào, phân bổ ra sao cho hợp lý, phù hợp với các doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch tại Việt Nam cho rằng: Việc cùng tham gia dạy nghề là trách nhiệm của doanh nghiệp. Cần có quy định về việc cam kết sẽ nhận bao nhiêu sinh viên sau khi tốt nghiệp, để sinh viên chuyên tâm học tập, theo nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, không để tình trạng giáo viên dạy nghề nhưng lại không có kinh nghiệm nghề. Giáo viên phải biết nghề mới dạy được cho sinh viên theo thực tiễn công việc. Có như vậy thì doanh nghiệp và nhà trường mới tìm được tiếng nói chung.

Ngày 25/7, các đại biểu sẽ đi thực tế các trường dạy nghề tại thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu và thảo luận thêm các ý kiến bổ sung cho luật dạy nghề./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực