Đồng Nai: Chấn chỉnh công tác đào tạo nghề lao động nông thôn

Thứ ba, 23/07/2013 15:54

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, để chấn chỉnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở đã tổ chức các Đoàn thanh, kiểm tra ở 16 trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Qua kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, toàn tỉnh có 9/16 trung tâm sử dụng tài chính không đúng quy định; 5/16 trung tâm sai phạm do không thực hiện đúng thông tư hướng dẫn; 9/16 trung tâm tuyển sinh đào tạo không đúng đối tượng và 5/16 trung tâm chưa dạy hết số tiết hợp đồng với giáo viên giảng dạy…

 

 Ảnh minh họa (nguồn: báo Đồng Nai)

Đoàn kiểm tra phát hiện sai phạm lớn nhất là ở Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất. Được biết, Trung tâm này đã cấu kết ký hợp đồng khống mở 46 lớp đào tạo nghề với một trường trung cấp kinh tế kỹ thuật (trị giá trên 1,5 tỷ đồng), mở 22 lớp với một Trung tâm dạy nghề (số tiền trên 820 triệu đồng) nhưng thực tế thì không có lớp. Giám đốc Ngô Anh Tuấn còn ký hợp đồng đào tạo nghề cho 566 học viên với 2 cơ sở may, mức học phí 1,8 triệu đồng/học viên, số tiền được “lại quả” gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, trung tâm này còn chi tiêu sai mục đích hàng trăm triệu đồng. Theo đề nghị của Sở, mới đây Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất đã ra quyết định đình chỉ công tác Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Ngô Anh Tuấn và Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội Ngô Tấn Sa do những sai phạm trong công tác tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tại Trung tâm dạy nghề thành phố Biên Hòa, Đoàn thanh tra đã phát hiện đơn vị này chi số tiền 800 triệu đồng không đúng theo Hướng dẫn số 112 của liên Bộ Tài chính và Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn, mà chi theo Hướng dẫn số 06 ban hành năm 2006 về hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề ngắn hạn. Hiện UBND thành phố Biên Hòa đang chỉ đạo trung tâm khắc phục sai phạm nêu trên. Ngoài Trung tâm dạy nghề Biên Hòa, còn có 4 Trung tâm dạy nghề khác trên địa bàn thành phố cũng có sai phạm tương tự do không vận dụng đúng Thông tư 112.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai Lê Thị Mỹ Phượng cho biết: Quan điểm của Sở là phải xử lý nghiêm các trung tâm dạy nghề có sai phạm, nhằm chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo được mục đích cũng như ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, hướng dẫn các Trung tâm đào tạo nghề lao động nông thôn phải bám sát với thực tế, nhu cầu của người học, không chạy theo số lượng.

Theo bà Phượng, thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung nhiều giải pháp nhằm kịp thời chấn chỉnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo các cơ sở dạy nghề đổi mới, chỉnh sửa chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học nghề. Bên cạnh đó, Sở sẽ tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan để rà soát lại kế hoạch, nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Trong đó, các ngành phải chú trọng đào tạo phù hợp với nhu cầu của lao động nông thôn và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cùng nhu cầu thị trường.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 3 năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay, Đồng Nai đã có trên 27 nghìn người được học nghề, trong đó, đã có trên 21 nghìn người đã được giải quyết việc làm./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực