Đồng Nai: Đảm bảo công bằng trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ sáu, 05/07/2013 09:41

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, thời gian qua, tại Đồng Nai xảy ra tình trạng lãnh đạo một số xã trên địa bàn tỉnh đưa cán bộ cơ sở (công an viên, dân quân,…) vào các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trước thực trạng này, Đồng Nai đã tiến hành rà soát và từ năm 2013 trở đi, tỉnh kiên quyết loại những cán bộ cơ sở ra khỏi danh sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 

 Ảnh minh họa (nguồn: baodaklak.vn)


Lãnh đạo Sở cho biết, hiện nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tại Đồng Nai là rất lớn. Tuy nhiên, do một số địa phương cố tình đưa những người đang công tác trong bộ máy hành chính của xã vào các lớp học nghề, đã làm giảm cơ hội học nghề của nhiều lao động khác. Việc loại cán bộ ra khỏi diện đào tạo nghề nhằm đảm bảo công bằng, mở ra cơ hội học nghề cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng bị thu hồi đất.

Ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết: Qua hơn 3 năm triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, nhiều lao động tại Đồng Nai được đào tạo các nghề như: Trang điểm, cắm hoa, tin học,…đã không tìm được việc làm. Từ thực tế này nên từ nay tỉnh Đồng Nai không tổ chức đào tạo những nghề theo thị hiếu của người lao động mà gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Quan điểm của Đồng Nai là không chạy theo số lượng, đào tạo nghề nhằm giúp lao động nông thôn có kiến thức để sản xuất, kinh doanh chứ không phải để lấy thành tích. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ thực hiện việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy, tăng thời lượng thực hành của khóa học lên 70%. Tỉnh hỗ trợ lao động sau học nghề tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất.

Khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Đồng Nai là thiếu giáo viên cơ hữu, dẫn tới tình trạng phải thuê giáo viên, không chủ động được giờ dạy; thiết bị dùng trong giảng dạy của các trung tâm dạy nghề còn thiếu và lạc hậu, khiến chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Về phía người lao động, vẫn còn tồn tại tâm lý ngại đi xa, chưa nhận thức hết được lợi ích của việc học nghề và không muốn mất thời gian đi học. Đặc biệt, vấn đề khó tiếp cận với nguồn vốn vay cho phát triển sản xuất của người lao động sau học nghề đang ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của đề án. Thống kê cho thấy, hơn 3 năm qua tại Đồng Nai chỉ có khoảng 100 hộ dân sau học nghề được vay vốn cho phát triển sản xuất với số tiền chưa đến 1 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, Đồng Nai đã đào tạo nghề cho hơn 32.000 lao động nông thôn, tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 79%. Phần lớn lao động sau học nghề, dù tự tạo việc làm hay làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều biết áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất, thu nhập của người lao động tăng đáng kể. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, tỉnh Đồng Nai đào tạo nghề cho 5.000 lao động, trong đó lao động học nghề phi nông nghiệp chiếm hơn 53%. Sau khóa học, hơn 3.500 người có việc làm (đạt 78%). Tuy nhiên, chỉ có gần 300 lao động người dân tộc thiểu số, 19 lao động bị thu hồi đất được đào tạo nghề.

Thời gian tới, Đồng Nai tăng cường công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất, người nghèo về chủ trương đào tạo nghề của Nhà nước nhằm thu hút những đối tượng trên tham gia học nghề./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực