Đồng Nai: Đến năm 2020, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%

Thứ ba, 19/11/2013 10:15

(ĐCSVN) - UBND tỉnh Đồng Nai vừa ký quyết định số 3631/QĐ-UBND ban hành chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2011 - 2020. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2020, dạy nghề cơ bản phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo, gắn với mục tiêu cung cấp nhân lực phù hợp với các giải pháp kinh tế – xã hội của tỉnh.

Mặt khác, việc phát triển chiến lược dạy nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Đồng Nai


Theo đó, mục tiêu cụ thể của chương trình là đến năm 2020: Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60% (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm 25%).

Đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 95.000 người (trong đó 10% đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 280.000 người, trong đó có 65.000 người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956. Phấn đấu đến cuối năm 2020, công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã qua đào tạo nghề đạt 95%.

Đến năm 2020 có 110 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh: 10 trường cao đẳng nghề, 18 trường trung cấp nghề và 82 trung tâm dạy nghề và các cơ sở khác có dạy nghề. Trong đó, phấn đấu có 03 trường đạt chuẩn quốc tế, 01 trường đạt chuẩn khu vực và 05 trường đạt chuẩn quốc gia của một số nghề trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2020 có 4.000 giáo viên dạy nghề, trong đó dạy cao đẳng nghề 1.000 người, trung cấp nghề 1.500 người, dạy sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng (không bao gồm người dạy nghề) là 1.500 người. Phấn đấu đến cuối năm 2020 có 80% giáo viên dạy nghề có trình độ cao đẳng, đại học; 20% giáo viên có trình độ sau đại học.

Phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở có nhu cầu học nghề được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 95% lao động phổ thông trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được đào tạo, bồi dưỡng nghề; 80% lao động học nghề theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 chuyển đổi nghề nghiệp sang làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về dạy nghề, phấn đấu huy động ít nhất 45% tổng mức đầu tư cho công tác dạy nghề từ nguồn xã hội hóa so với nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư. Duy trì và phát triển hệ thống thị trường lao động, gắn kết giữa dạy nghề và giải quyết việc làm.

Để nâng cao trình độ và khả năng thực hành cao trong công tác đào tạo và học nghề, tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị các đơn vị liên quan quan tâm đến việc gắn kết giữa dạy nghề với thị trường, đồng thời có sự tham gia của các doanh nghiệp; đẩy mạnh việc hợp tác đào tạo nghề với các tổ chức quốc tế bằng các hình thức liên kết, hợp tác với các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

Tổng nguồn kinh phí để thực hiện chiến lược phát dạy nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 là trên 1.800 tỷ đồng; trong đó nguồn kinh phí từ Trung ương khoảng 235 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 1.100 tỷ đồng, số còn lại khoảng gần 500 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực