Góp ý vào dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề

Thứ sáu, 23/08/2013 16:18

Ngày 23/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các trường, đơn vị đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia về lĩnh vực dạy nghề trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh: Luật Dạy nghề được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI, đã tạo động lực phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề rộng khắp ở các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Luật đã đã bộc lộ nhiều hạn chế: Chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; chưa thiết lập được mối liên kết giữa doanh nghiệp và người lao động. Đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện nay còn thiếu cả số lượng và yếu về trình độ chuyên môn, đặc biệt là trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, kỹ năng nghề, năng lực nghề nghiệp của lao động Việt Nam vì vậy vẫn còn khoảng cách lớn so với khu vực và trên thế giới... cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Sau nhiều lần thảo luận, đến nay ban soạn thảo đã xác định có 56 vấn đề cần nghiên cứu, thảo luận. Việc sửa đổi, bổ sung Luật cần gắn với tư tưởng đổi mới, hướng tới chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hợp tác quốc tế để phù hợp hơn với các văn bản pháp luật khác, tạo ra hệ thống pháp luật dạy nghề đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở thực hiện tốt Chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020.

 

 Ảnh minh họa (nguồn: laodong.com.vn)


Giám đốc ILO Gyorgy Sziraczki cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật Dạy nghề đã thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ cho sự phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, bảo đảm sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cam kết chính trị của Việt Nam về phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược dạy nghề. Việc sửa đổi, bổ sung luật Dạy nghề sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới trong việc phát triển lực lượng lao động, hệ thống dạy nghề phù hợp với mục tiêu phát triển chung của Việt Nam.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã thể hiện sự quan tâm đối với chính sách phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Tiến sỹ Phan Chính Thức, chuyên gia đào tạo nghề nêu dẫn chứng: Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2012, trong hệ thống dạy nghề, loại hình cơ sở dạy nghề ngoài công lập đã có 38/151 trường cao đẳng nghề, 101/307 trường Trung cấp nghề, 291/869 trung tâm dạy nghề và hàng ngàn lớp dạy nghề tại các phường, xã, thôn, bản, làng nghề truyền thống... Hàng năm, mạng lưới cơ sở dạy nghề ngoài công lập đảm trách trên 30% quy mô đào tạo nghề... Điều này chứng tỏ các cơ sở dạy nghề ngoài công lập sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong hệ thống dạy nghề. Theo Tiến sỹ Thức, cần có chính sách, quy định khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để loại hình cơ sở dạy nghề ngoài công lập phát triển, cùng chia sẻ trách nhiệm, nguồn lực với hệ thống cơ sở dạy nghề công lập.

Đại diện trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (Hutech) nêu thực tế: trong điều kiện khó khăn của các trường nghề hiện nay, hệ thống các trường nghề ngoài công lập càng khó khăn hơn khi các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề chưa được hiệu quả. Bên cạnh đó, trong đào tạo nghề của nước ta hiện nay có một nghịch lý là đối với các nghề xã hội cần phải đầu tư kinh phí cho trang thiết bị thực hành như nhóm nghề điện, xây dựng, cơ khí, công nghệ thông tin... học sinh lại ít vào học hơn so với các nghề kinh tế như quản trị, kế toán, tài chính... Điều này dẫn đến nguy cơ các trường nghề ngoài công lập khi mở rộng chương trình đào tạo với khối ngành kỹ thuật là đầu tư chi phí lớn nhưng không tuyển được sinh viên...

Liên quan đến các quy định về giáo viên dạy nghề được quy định trong luật, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hằng, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho rằng để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ mới trong công tác dạy nghề, việc sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết về giáo viên trong luật Dạy nghề là hết sức cần thiết. Thạc sỹ Nguyễn Thị Hằng nêu ý kiến: Đặc thù của dạy nghề là thực hành đòi hỏi phải có kỹ năng nghề và kiến thức thực tế nên đòi hỏi giáo viên dạy nghề phải có trình độ kỹ năng nghề, kiến thức thực tế của nghề nhất định khi tiến hành giảng dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề nhưng luật Dạy nghề hiện nay chưa có quy định này. Luật cũng chưa phân biệt rõ nhiệm vụ của giáo viên dạy trình độ sơ cấp, trung cấp nghề và cao đẳng nghề.../.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực