Hội nghị giao ban về dạy nghề cho lao động nông thôn các tỉnh, thành khu vực phía Bắc

Thứ ba, 26/11/2013 17:05

(ĐCSVN) – Ngày 25/11, tại Thái Nguyên đã diễn ra Hội nghị giao ban giữa thường trực Ban chỉ đạo Trung ương với thường trực Ban chỉ đạo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi đã tới dự.

 

 Hội nghị giao ban về dạy nghề cho lao động nông thôn các tỉnh, thành
khu vực phía Bắc. (Ảnh: Lăng Khoa/thainguyentv.vn)

Hội nghị đã nghe báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội) về tình hình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 3 năm qua và 6 tháng năm 2013. Theo đó, sau 3 năm thực hiện (2010 – 2013), 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, tổ chức hội nghị quán triệt tới cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và tập huấn đối với cán bộ cấp xã; phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của địa phương. 100% các tỉnh trong cả nước ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo của Đảng trong triển khai thực hiện Đề án hoặc đưa nội dung Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Tính đến tháng 6/2013, cả nước đã đào tạo nghề cho 1.357.404 lao động nông thôn, trong đó lao động nông thôn là nữ chiếm 52,4%, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng chiếm 2,2%, người thuộc hộ nghèo chiếm 12,6%, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp chiếm 2,3%, người khuyết tật chiếm 0,8%, người dân tộc thiểu số chiếm 19,5...

Về tình hình thực hiện Đề án của khu vực phía Bắc, 25/25 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh; có trên 18.700 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, sau học nghề đã thoát nghèo, chiếm trên 41%. Gần 4000 người sau học nghề có việc làm và thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của các hộ dân trong vùng, chiếm hơn 18% số người học xong có việc làm.

Báo cáo cũng đề cập đến công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án ở các cấp; chỉ ra những mặt tồn tại, yếu kém trong quá trình thực hiện và đưa ra mục tiêu, nghiệm vụ, giải pháp dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2014.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án tại địa phương mình. Các ý kiến đều khẳng định Đề án đã thể hiện hiệu quả rõ rệt, giúp bà con nông dân học nghề, có nghề và tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập góp phần cải thiện cuộc sống. Một số bà con nông dân chuyển đổi được nghề nghiệp, phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương... Tuy nhiên, một số đại biểu cũng thừa nhận trong quá trình triển khai Đề án vẫn còn những tồn tại và yếu kém như: phần lớn cán bộ phụ trách dạy nghề ở cấp huyện là cán bộ kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách; các trung tâm dạy nghề cấp huyện yếu và thiếu, không được bố trí giáo viên cơ hữu, chỉ bố trí khung, chủ yếu là phải đi thuê; hiệu quả của đầu tư thiết bị chưa cao; công tác điều tra, khảo sát nhu cầu của người học chưa sát và gắn với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương... dẫn đến hiệu quả thực hiện Đề án chưa đạt được như mục tiêu mong đợi.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi đề nghị trong thời gian tới, Ban chỉ đạo các địa phương tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, cơ quan hội đồng nhân dân về những chính sách cần điều chỉnh sát với tình hình địa phương, chính sách hỗ trợ vay vốn giúp người dân phát triển kinh tế sau học nghề; tuyên truyền những điển hình tốt và chưa tốt để học hỏi và rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố phân công lãnh đạo kiểm tra từng địa phương; xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động từ nay đến năm 2015 gửi về Tổng cục Dạy nghề để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Dự kiến, Hội nghị giao ban về công tác dạy nghề khu vực miền Trung và miền Nam sẽ được tổ chức trong thời gian tới tại Khánh Hòa và Cần Thơ./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực