Hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ sinh viên quan hệ với doanh nghiệp

Thứ sáu, 20/12/2013 16:30

Ngày 19/12, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo, tập huấn công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ sinh viên quan hệ với doanh nghiệp.
 
Tham dự Hội thảo có đại diện các trường đại học, cao đẳng khu vực phía Bắc và nhiều doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố.

Hội nghị lần này đánh dấu nét mới theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam và là lần đầu tiên ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam huy động các doanh nghiệp vừa và nhỏ "vào cuộc", cùng định hướng nguồn nhân lực và xúc tiến việc làm cho sinh viên, đặc biệt triển khai ở các tỉnh mới phát triển công nghiệp nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, phát triển kinh tế xã hội bền vững ở các địa phương này.

Quy chế phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục Đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tạo cơ chế phối hợp, gắn kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các hoạt động của nhà trường và các hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh hội nhập kinh tế của các doanh nghiệp.

Tại hội thảo, đại diện nhiều trường đại học và các doanh nghiệp trong khu vực đã đóng góp nhiều ý kiến bổ sung cho Dự thảo Đề án Giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng trong và ngoài nước chưa có việc làm giai đoạn 2020; chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong việc tổ chức giúp sinh viên tiếp cận việc làm sau khi ra trường.

Theo Dự thảo Đề án Giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng trong và ngoài nước chưa có việc làm giai đoạn 2020, trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người lao động được tạo việc làm mới. Trong giai đoạn 2009-2012, bình quân mỗi năm có khoảng 130 nghìn người có trình độ cao đẳng và khoảng 208 nghìn người có trình độ đại học được bổ sung vào lực lượng lao động, đưa tổng số nhân lực trình độ cao đẳng, đại học lên khoảng 3,7-4 triệu người. Mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta tăng khá nhanh nhưng thực tế tỷ lệ thất nghiệp đối với đối tượng có trình độ cao đẳng, đại học khá cao. Năm 2012, cả nước có khoảng 925 nghìn người thất nghiệp, trong đó số lao động có trình độ cao đẳng thất nghiệp là 52,7 nghìn người; số có trình độ đại học, cao đẳng trở lên thất nghiệp khoảng 93,4 nghìn người.

Để xảy ra tình trạng trên là do nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực từ phía người sử dụng lao động ngày càng giảm; chất lượng nhân lực chưa cao; công tác đào tạo, dạy nghề chưa gắn với nhu cầu xã hội; thị trường lao động chưa hoàn thiện và thiếu minh bạch. Vấn đề xuất khẩu lao động ra nước ngoài chưa được quan tâm xứng đáng.

Để từng bước khắc phục những nguyên nhân trên, mở ra cơ hội tiếp cận việc làm cho sinh viên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung vào 9 giải pháp, như: Tổ chức các chương trình, khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm miễn phí cho người lao động- sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm; thiết lập cơ chế phối hợp giữa các bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người học và các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong việc nắm bắt nhu cầu, "đặt hàng" đào tạo, cung ứng cho người sử dụng lao động và tư vấn, hướng nghiệp cho người học. Các cơ quan chức năng xúc tiến mở rộng và tăng cường đưa nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng ra nước ngoài làm việc; tiếp tục cải cách hành chính theo hướng minh bạch hóa, tạo cơ chế ưu đãi khuyến khích sự phát triển đồng thời bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài…; phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp của lao động trình độ cao đẳng, đại học trở lên từ 49,1% năm 2013 giảm xuống còn 41,4% năm 2015 và còn 12% vào năm 2020./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực