Người dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) kiếm được việc làm với thu nhập cao từ nghề trồng hoa

Thứ tư, 11/12/2013 14:59

(ĐCSVN) - Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, triển khai công tác dạy nghề trên địa bàn theo Đề án 1956, từ năm 2010-2013, huyện đã mở được 78 lớp đào tạo nghề cho 2.619 học viên.

Riêng năm 2013, toàn huyện dạy được 36 lớp với 1.227 học viên, trong đó, 367 học viên theo nghề nông nghiệp (trồng rau an toàn, hoa, chăn nuôi lợn và thú y và 91% học viên sau học làm đúng nghề đào tạo). Số học viên theo nghề phi nông nghiệp đông hơn (860 người), hơn 80% làm đúng nghề đào tạo như tin học văn phòng, kỹ thuật chế biến món ăn, hàn, mây tre đan… 
 

 

HTX hoa cây cảnh xã Thụy Hương, Chương Mỹ, Hà Nội
Ảnh: Tố Như


Ông Nguyễn Đức Học chia sẻ, cách đây không lâu, người nông dân trong xã vẫn còn nghèo lắm, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà không dư giả. Khi Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai, đồng thời xã được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới thì toàn bộ đời sống người dân thay đổi hẳn.

Khởi điểm từ năm 2010, địa phương đã mời Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc bộ về dạy nghề cho 165 học viên là người dân của xã (trong đó ½ học nghề trồng hoa chất lượng cao). Thành quả thấy ngay khi toàn bộ học viên nông dân đã kiếm được việc làm với thu nhập cao (trung bình mỗi mét vuông trồng hoa thu được 2 triệu đồng/năm).

Từ năm 2011 đến nay, nghề trồng hoa thực sự khiến cuộc sống nông dân nơi đây thay đổi hẳn, mỗi hộ thu ngót nghét 1 tỷ đồng/năm. Dự tính cuối năm 2013 này thu nhập sẽ hơn khi đơn đặt hàng dành cho hoa Tết đến thời điểm này đã khá dài.

Cũng theo ông Học, ưu điểm của nghề trồng hoa thể hiện ở khoảng thời gian học nghề khá ngắn. Nhất là lan hồ điệp thì không phải học đủ 3 tháng mà chỉ cần 1 tháng vừa lý thuyết, vừa thực hành nông dân cũng có thể tự trồng được.

Năm 2014, Chương Mỹ phấn đấu dạy nghề cho 1.610 lao động nông thôn, trong đó 1.050 lao động theo nghề phi nông nghiệp; 560 lao động theo nghề nông nghiệp; gần 2.600 người được dạy nghề dưới 3 tháng và trên 85% lao động tìm được việc làm sau khi học nghề. Ngoài ra, sẽ có gần 1.500 cán bộ công chức cấp xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực