Nhiều kết quả trong công tác dạy nghề tại các địa phương

Thứ năm, 28/11/2013 14:03
(ĐCSVN) - Năm 2013, công tác dạy nghề tiếp tục được các địa phương chú trọng triển khai và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, qua đó góp phần quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

*Bình Dương: Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 56 cơ sở dạy nghề, gồm 05 trường cao đẳng, 01 trường đại học dạy hệ cao đẳng nghề, 08 trường trung cấp nghề, 01 trường trung cấp chuyên nghiệp dạy hệ trung cấp nghề, 13 trung tâm dạy nghề và 28 cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề.

 

  Lớp thực hành sửa chữa ô tô trường
Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, Bình Dương.
(Ảnh: baobinhduong.org.vn)


Năm học 2012 - 2013, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh được hơn 32.000 học viên. Các nghề thu hút học viên như: lái xe ô tô, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, lắp đặt điện…

Trong năm 2013, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo 10 nghề cho lao động nông thôn với số lượng là 1.555 người, vượt 9,8% so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các chương trình dạy nghề gắn với doanh nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Năm học 2013 - 2014, các cơ sở dạy nghề Bình Dương phấn đấu tuyển sinh 40.953 học viên, số lượng học viên tốt nghiệp là 37.444 học viên, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2014 đạt 68% và đào tạo nghề đạt 48%.

*Bà Rịa – Vũng Tàu: Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2013 là 3.668 lao động. Đến nay, đã có 4.425 lao động được đào tạo nghề, đạt 120% so với kế hoạch.

Từ đầu năm đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức 111 lớp dạy nghề, trong đó có 75 lớp dạy nghề phi nông nghiệp với hơn 4.200 lao động nông thôn được đào tạo, đạt 120% kế hoạch năm.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ được triển khai từ năm 2011, nhằm tăng thêm cơ hội việc làm lao động nông thôn, đồng thời góp phần tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn. Trên cơ sở này, tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều ngành nghề lao động gắn với tình hình thực tế phát triển của địa phương, từ đó đem lại kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

*Cần Thơ: Từ đầu năm đến nay, các cơ sở dạy nghề tại Cần Thơ đã tuyển sinh và dạy nghề 34.315 người, đạt trên 92% kế hoạch (với 92 nghề đào tạo), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 48,8% (năm 2012 là 47%). Thành phố đã triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ năm 2013, với 4.725 lao động học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, tích cực xây dựng nhiều mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm hiệu quả, sát thực nhu cầu lao động nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

 Giờ thực tập ở trường Trung cấp nghề Thới Lai, Cần Thơ.
(Ảnh:danviet.vn)


Cần Thơ hiện có 73 cơ sở dạy nghề (trong đó, có 44 cơ sở dạy nghề ngoài công lập), 942 giáo viên dạy nghề (trong đó, có 730 giáo viên cơ hữu). Các cơ sở dạy nghề đã chú trọng xây dựng và phát triển chương trình dạy nghề, trang bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau học nghề bình quân đạt trên 72%…

Năm 2014, Cần Thơ tập trung tuyển sinh đào tạo nghề các trình độ cho 38.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 50%... Theo đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường công tác quản lý nhà nước về dạy nghề; chuẩn hóa giáo viên theo quy định của Luật Dạy nghề, hoàn thiện mạng lưới cơ sở dạy nghề; khảo sát thị trường lao động để điều chỉnh cơ cấu, nghề đào tạo; chuyển mạnh đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm thông qua ký kết các hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp…

*Đà Nẵng: Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có 61 cơ sở dạy nghề. Năm 2013, các cơ sở dạy nghề tiếp tục từng bước được củng cố, đầu tư nâng cấp, tỉ lệ học sinh học nghề ra trường, có việc làm đạt hơn 70%. Đáng chú ý là dạy nghề theo nhu cầu doanh nghiệp có bước chuyển biến. Công tác chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng di dời, giải tỏa, lao động thuộc hộ nghèo, lao động nông thôn được thành phố quan tâm. Cơ cấu ngành nghề đào tạo dần bám sát cơ cấu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố và theo nhu cầu của thị trường lao động.

*Đồng Nai: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết, trong năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh đã tuyển mới được gần 65.000 người học nghề, đạt 103% kế hoạch. Trong đó, hệ cao đẳng nghề có 2.582 người, trung cấp nghề có 4.773 người, hệ sơ cấp nghề và học nghề thường xuyên là trên 57.000 người. Số đã tốt nghiệp các khóa học nghề là hơn 61.000 người, nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2013 đạt 46,1% (tăng 2% so với năm 2012).

Năm học 2013 - 2014, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai giao chỉ tiêu cho các trường, các trung tâm dạy nghề trong toàn tỉnh tuyển sinh mới hơn 62.000 người học nghề ở các hệ, trong đó có 10.000 người lao động nông thôn. Sở cũng yêu cầu các trường, trung tâm chủ động bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ giáo viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới giáo trình dạy nghề theo hướng phù hợp với thực tế, gắn với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp./. 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực