Quan tâm đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số

Thứ tư, 31/07/2013 15:48

Ngày 30/7, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan để nghe báo cáo về việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước chủ trì cuộc họp.

 

 Ảnh minh họa (nguồn: dongnai.gov.vn)


Đánh giá việc thực hiện “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, việc tổ chức học nghề chưa gắn với kế hoạch phát triển sản xuất của địa phương nên hiệu quả đào tạo chưa cao. Việc áp dụng kiến thức vào công việc ngay trong thời gian học và sau khi tốt nghiệp còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, tư vấn chưa thật tốt nên người lao động chưa nắm vững các quy định của đề án. Việc tuyên truyền riêng cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức nên một bộ phận người lao động chưa nắm được các chính sách của đề án...

Thực hiện đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay có 70/205 cơ sở giáo dục tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn dân tộc thiểu số, chủ yếu là các trường cao đẳng kinh tế - kỹ thuật, trung cấp nông nghiệp, lâm nghiệp… thuộc các tỉnh, thành phố, cùng một số trường thuộc các bộ, ngành. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác quản lý về dạy nghề tại các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, đại học chưa tốt. Việc phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh có dân tộc thiểu số trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là vùng các dân tộc thiểu số hiệu quả chưa cao.

Báo cáo về việc bố trí kinh phí thực hiện đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát các nội dung liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn làm căn cứ cho việc bố trí kinh phí thực hiện đề án. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách nhà nước, kinh phí thực hiện đề án được giao tổng mức cho các tỉnh, thành phố Trung ương; không tách riêng kinh phí cho lao động dân tộc thiểu số. Vì vậy, để đánh giá phần kinh phí của đề án bố trí cho lao động dân tộc thiểu số cần có báo cáo của các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc phân bổ cho nội dung này.

Khẳng định ý nghĩa của việc thực hiện đề án, Bộ Công Thương đề nghị cần chú trọng hơn nữa tới việc tuyên truyền, quảng bá công tác này, đồng thời xem xét tăng mức hỗ trợ tiền ăn và bổ sung khoản tiền hỗ trợ chỗ ở cho các đối tượng học xa nhà, không có điều kiện đi về trong ngày. Bộ cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính cân đối cấp kinh phí thực hiện Đề án từ đầu năm để các hoạt động diễn ra đúng tiến độ.

Nêu những khó khăn, vướng mắc, Bộ Tài chính cho biết: do khả năng cân đối ngân sách nhà nước hiện nay và các năm tiếp theo rất khó khăn, việc cân đối, bố trí ngân sách theo Quyết định 1956 chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương về sửa đổi, mở rộng đối tượng và nâng mức chi. Theo quy định tại Quyết định 1956, các địa phương tự cân đối được ngân sách phải bảo đảm kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa quan tâm kinh phí đúng mức.

Đại diện Bộ Quốc phòng kiến nghị tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề, các đơn vị trong quân đội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt lao động ở vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới đặc biệt khó khăn; trong đó giao chỉ tiêu, kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng...

Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Quốc phòng đã làm rõ hơn một số vần đề liên quan tới đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số. Trong đó nhấn mạnh nội dung gắn đào tạo việc làm với quy hoạch, kế hoạch sản xuất vùng; lồng ghép việc thực hiện đề án với các chương trình đề án khác trên địa bàn; việc sử dụng lao động dân tộc thiểu số sau đào tạo đối với các doanh nghiệp, làng nghề; tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số có việc làm sau đào tạo…

Nội dung buổi làm việc phục vụ công tác giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số" từ năm 2010 đến tháng 6/2013 của Hội đồng Dân tộc./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực