Tập trung triển khai nhân rộng các mô hình dạy nghề đã thí điểm có hiệu quả

Thứ sáu, 22/11/2013 14:00

(ĐCSVN) - Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) vừa có văn bản số 2100/TCDN-BQL, ngày 19/11/2013 hướng dẫn thực hiện kinh phí năm 2014 được phân bổ cho các dự án Dạy nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015.

Theo đó, để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của các dự án dạy nghề vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương chỉ phân bổ kinh phí năm 2014 được ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các nhiệm vụ trọng tâm theo hướng dẫn.

 Ảnh minh họa. (Nguồn:gdtd.vn)

Đối với Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề”, việc quản lý và sử dụng kinh phí được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 102/2013/TTLT/BTC-BLĐTBXH, ngày 30/7/2013 của liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện một số Dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 – 2015 và các hướng dẫn có liên quan của Tổng cục Dạy nghề.

Đối với Dự án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH, ngày 30/7/2010 của liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong đó, về việc hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, cần thẩm định sử dụng kinh phí xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị dạy nghề theo đúng quy định hiện hành; bảo đảm tập trung ưu tiên phân bổ kinh phí cho các công trình xây dựng cơ bản và các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2014, không đầu tư xây dựng mới trung tâm dạy nghề cấp huyện.

Về hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, tập trung triển khai nhân rộng các mô hình dạy nghề đã thí điểm có hiệu quả; dạy nghề gắn với các doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, huyện điểm, xã xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên dạy nghề đối với lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, lao động nữ; phấn đấu thực hiện chỉ tiêu số lao động nông thôn được học nghề là người khuyết tật chiếm ít nhất 5% và lao động nữ chiếm ít nhất 40%.

Văn bản cũng hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng kinh phí đối với hoạt động xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và người dạy nghề; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức xã; hoạt động tuyên truyền, giám sát và đánh giá Dự án...

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực