Cho Tây Nguyên thêm xanh

Thứ sáu, 23/08/2019 14:25
(ĐCSVN) – Thực hiện Chỉ thị số 40, tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng đã tích cực triển khai và đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực vào giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Cho Tây Nguyên thêm xanh

Qua 16 năm hoạt động của NHCSXH, Quốc hội đã đánh giá “Chính sách tín dụng đối với người nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo.

Trước hiệu quả hoạt động của NHCSXH, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư TW Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40).

Thực hiện Chỉ thị số 40, tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng đã tích cực triển khai và đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực vào giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Anh Y Din KTLa (bên phải), dân tộc Ê Đê ở buôn Sút MĐưng, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar chia sẻ kinh nghiệm trồng cà phê cho hộ dân cùng buôn

Để tạo bước chuyển biến mới về hoạt động tín dụng chính sách xã hội tạo động lực phát triển kinh tế cho bà con hộ nghèo và các đối tượng chính sách, năm 2014, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản số 1905-CV/TU ngày 17/12/2014 chỉ đạo các địa phương dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương hàng năm để uỷ thác qua NHCSXH và tỉnh Lâm Đồng bàn hành văn bản số 64/TBB-UBND ngày 27/2/2015 chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện Chỉ thị số 40.

Theo báo cáo từ chi nhánh NHCSXH, Đắk Lắk và Lâm Đồng là những địa phương triển khai, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư và Quyết định số 401 của Thủ tướng Chính phủ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban đại diện và các Sở, ban ngành, hội, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương; chỉ đạo việc tập trung nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trụ sở và điều kiện làm việc cho NHCSXH tỉnh, huyện, nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý nguồn vốn cho vay theo một kênh thống nhất là NHCSXH; qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách. Đặc biệt, sự phối hợp giữa NHCSXH với các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương, nhất là 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác ngày càng chặt chẽ và đi vào chiều sâu; chất lượng tín dụng đi vào thực chất và được nâng lên rõ rệt. Góp phần quan trọng vào việc thực hiện giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.

Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, đến nay, tại tỉnh Đắk Lắk tổng nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đạt gần 218 tỷ đồng và tỉnh Lâm Đồng là hơn 130 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã được NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, giúp bà con có vốn đầu tư SXKD.

Thật ấm lòng khi mục sở thị những mô hình thoát nghèo nhờ đồng vốn của ngân hàng đang “phủ xanh” trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Nhiều hộ gia đình kinh tế trước đây rất khó khăn, nay nhờ sự tiếp sức đồng vốn của ngân hàng mà cuộc sống đã có nhiều đổi thay, từ thiếu ăn đến có của ăn của để như hộ anh Y Din KTLa, dân tộc Ê Đê ở buôn Sút MĐưng, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk).

Năm 2013, anh Y Din KTLa lấy vợ và ra ở riêng tài sản chỉ là 2 gian nhà vách đất, không có gạo ăn, không có đồ dùng sinh hoạt. Cuộc sống quá khổ, suốt ngày hai vợ chồng chỉ đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn qua ngày và nuôi con ăn học đã khó, chứ đừng nghĩ đến chuyện làm giàu. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân ở ngay buôn anh đang sinh sống, gia đình đã được vay 12 triệu đồng vốn hộ nghèo, cùng với số vốn tự có anh đầu tư trồng 3 sào cà phê. Sau đó anh đã trả hết nợ cho ngân hàng. Nhận thấy gia đình anh có ý chí vươn lên, vượt khó thoát nghèo, tháng 3/2019, NHCSXH tiếp tục cho vay 50 triệu đồng chương trình hộ nghèo để đầu tư mở rộng diện tích trồng cà phê và chăn nuôi lợn rừng. Với đức tính cần cù, chịu khó và sự chăm sóc chu đáo nên đàn lợn của gia đình anh phát triển tốt, vườn cà phê trĩu quả. Theo tính toàn, đến cuối năm nay thu nhập từ bán lợn rừng và cà phê sau khi trừ chi phí sẽ có lãi hơn 50 triệu đồng. “Cuộc sống đã như rơi vào bế tắc với gia đình chúng tôi, khi quanh năm làm lụng vất vả cũng chẳng đủ ăn, may nhờ được vốn vay từ NHCSXH đã giúp gia đình tôi có cơ hội đổi đời”, anh Y Din KTLa vui mừng cho biết.

Hay như gia đình anh Tạ Nguyên Phong ở thôn Pang Pế Nâm, xã Đạ RSal, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) vay 50 triệu đồng hộ mới thoát nghèo từ NHCSXH huyện, gia đình anh đã triển khai mô hình chăn nuôi tằm, trông cà phê, sầu riêng và hồ tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình có cuộc sống khấm khá hơn. Anh Phong chia sẻ: “Nhờ có vốn vay của NHCSXH với lãi suất ưu đãi nên gia đình tôi đã đầu tư chăn nuôi tằm tạo việc làm quanh năm. Cùng với 2ha cây hồ tiêu, 05ha trồng cà phê và sầu riêng, bình quân mỗi tháng gia đình tôi cũng có lãi hơn 5 triệu đồng...”.

Điểm đáng chú ý là sau khi có Chỉ thị số 40, Chủ tịch UBND cấp xã, thị trấn tham gia vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện. Thông qua việc chỉ đạo, điều hành của Ban đại diện HĐQT, đến nay các xã trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai nhiều giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện tốt việc bình xét đối tượng vay vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình SXKD hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp, huyện Cưkuin (Đắk Lắk) Nguyễn Hồng Khanh cho biết: “Chỉ thị số 40 đã đi vào cuộc sống và tạo tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thời gian qua. Cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, hội trường làm việc để hoạt động giao dịch giữa ngân hàng và người dân được thuận tiện nhất, đồng thời chỉ đạo các hội, đoàn thể tích cực kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và có trách nhiệm trong việc bình xét cho vay, sử dụng vốn đến thu hồi nợ đến hạn, vì thế 3 năm qua, Hoà Hiệp là xã không có nợ quá hạn”.

Có thể thấy rằng, hiệu quả của tín dụng chính sách mang lại cho bà con tại hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn từng bước thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ấm no. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, mặc dù còn nhiều khó khăn, nguốn vốn ngân sách còn ít nhưng cấp uỷ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho NHCSXH phục vụ bà con hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, thường xuyên quan tâm chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận uỷ thác phải tích cực quan tâm công tác đôn đốc thu hồi nợ nhằm bảo toàn nguồn vốn cho Nhà nước, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. 

 

Bài và ảnh: Trần Giáp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực