Hiệu quả hoạt động của NHCSXH huyện Kỳ Anh

Thứ sáu, 08/09/2017 15:01
(ĐCSVN) - Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, nhiều người nghèo và các đối tượng chính sách tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.
Vốn vay ưu đãi giúp gia đình chị Hoàng Thị Hường đầu tư và phát triển đàn bò (Ảnh: Trần Giáp)

Gia đình chị Hoàng Thị Hường ở thôn Hoàng Dụ, xã Kỳ Khang - một tấm gương sáng trong việc sử dụng và phát huy hiệu quả vốn vay tín dụng chính sách. Chúng tôi đến thăm khi chị Hường- một gia đình đã thoát nghèo từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Chị Hường kể, năm 2013, gia đình chị được NHCSXH huyện Kỳ Anh cho vay 20 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Có vốn chị  mua ngay một cặp bò mẹ về nuôi. Được chăm sóc tốt, đàn bò sinh sôi nhanh lên 3, rồi 4 con. “NHCSXH đã tạo điều kiện cho mình vay vốn ưu đãi thì mình phải giữ chữ tín với đồng vốn. Chăn nuôi bò hiệu quả, gia đình tôi đã hoàn trả gốc và lãi đúng hạn cho ngân hàng. Năm 2016, gia đình tôi tiếp tục được NHCSXH duyệt cho vay 50 triệu đồng chương trình hộ nghèo đầu tư chăn nuôi bò. Đến nay, gia đình tôi đã nhân đàn lên 9 con bò" - chị Hường phấn khởi khoe.

Một mô hình điểm mà chúng tôi có dịp đến thăm là trang trại của gia đình cựu chiến binh Lê Viết Hưng, ở thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm là một trong những hộ có sự chuyển biến rõ nét về điều kiện kinh tế sau khi được tiếp cận vốn ưu đãi. Theo lời ông Hưng, trước đây, gia đình ông vô cùng khó khăn. Năm 2015, ông được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Với số tiền này, ông đã đầu tư mở trang trại chăn nuôi lợn và trồng rau sạch. Tận dụng nguồn thức ăn dồi dào, cũng như tích cực chăm sóc, đàn lợn của gia đình ông phát triển tốt. Đến nay, trong chuồng lợn của gia đình ông luôn duy trì từ 400 đến 600 con lợn. Mỗi năm, ông bán đi từ 2 đến 4 lứa, thu về lợi nhuận hơn 400 triệu đồng, nhờ trang trại của gia đình, ông đã tạo việc làm cho 3 người con và con thuê thêm 6 lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức lương chi trả 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Phạm Anh Đức, Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Anh cho biết: “Đến nay, tổng dư nợ của của Phòng giao dịch gần 439 tỷ đồng, với 16.739 hộ còn dư nợ, bình quân mỗi hộ vay gần 30 triệu đồng với 14 chương trình tín dụng. Đặc biệt nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp 0,002% so với tổng dự nợ”.

Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố và các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án, hỗ trợ phát triển ngành nghề, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Ðể đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của nhân dân, thời gian qua, ngoài nguồn vốn do Trung ương cấp, chi nhánh còn tích cực chỉ đạo NHCSXH các huyện, thành phố và các hội, đoàn thể thu hồi vốn đến hạn để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng”.

Đề hạn chế rủi ro đối với các món nợ vay, NHCSXH huyện Kỳ Anh đã quan tâm chỉ đạo thường xuyên đến Tổ tiết kiệm và vay vốn, phối hợp với các hội, đoàn thể thực hiện chấn chỉnh hoạt động của Tổ, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên rà soát bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Qua đó tạo điều kiện để người nghèo nhanh chóng được tiếp cận nguồn vốn theo quy định của nhà nước.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nâng cao chất lượng ủy thác, nắm chắc nhu cầu vay vốn, đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng theo kế hoạch được giao. Đồng thời phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân để phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn vay”, ông Phạm Anh Đức cho biết thêm.

Đánh giá của chính quyền, hội đoàn thể các địa phương tại Kỳ Anh cho thấy, thời gian qua, cơ chế quản lý, cho vay vốn của NHCSXH có nhiều đổi mới, tạo sự thông thoáng, hiệu quả đối với các chương trình cho vay vốn. Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã góp phần hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng sản xuất.

Thông qua hoạt động cho vay, các tổ chức chính trị - xã hội đã có điều kiện đi sâu, đi sát tới từng cơ sở, gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, chủ chương, chính sách tín dụng ưu đãi là đúng, phù hợp với cuộc sống và được nhân dân, cấp uỷ chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ.

Trần Giáp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực