Hòa Bình: Tín dụng chính sách thực sự là giải pháp giảm nghèo hữu hiệu, thiết thực

Thứ tư, 15/11/2017 17:09
(ĐCSVN) – Là một tỉnh miền núi được ví là “cửa ngõ Tây Bắc”, Hòa Bình đang trên đà phát triển dù vẫn còn nhiều khó khăn. Trong hành trình vượt khó ấy, có thể nói, chặng đường đồng hành cùng người nghèo với các đồng vốn tín dụng chính sách ưu đãi trong 15 năm qua (2002-2017) được xem là một trong các giải pháp hiệu quả, tích cực.

15 năm qua, thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh Hòa Bình luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và NHCSXH Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đặc biệt là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Cán bộ tín dụng chính sách tiếp xúc với bà con tại Điểm giao dịch xã Vân Phong, Cao Phong, Hòa Bình (Ảnh: HNV)

Sau 15 năm hoạt động, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt 2.665 tỷ đồng, tăng 13 lần so với ngày đầu hoạt động (2002). Nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,13% tổng dư nợ. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp 426 nghìn lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Thông qua nguồn vốn đã giúp cho trên 90 nghìn lượt hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo; tạo việc làm mới cho trên 73 nghìn lao động; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 19 nghìn căn nhà; xây dựng được 90 nghìn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 1.000 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ); 35 nghìn học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 8.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được vay vốn để sản xuất kinh doanh (SXKD)…

Đánh giá về hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương trong 15 năm qua, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã nhấn mạnh, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (2002-2017) cũng chỉ rõ, tín dụng chính sách xã hội thực sự là công cụ hữu hiệu, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Cửu, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, thực tiễn hoạt động của NHCSXH tỉnh cùng các Phòng giao dịch trực thuộc trên địa bàn tỉnh 15 năm qua cũng khẳng định mô hình quản lý tín dụng chính sách là phù hợp, sáng tạo và hiệu quả. Đó là sự liên kết giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác một số khâu trong quy trình cho vay cùng với tổ Tiết kiệm và vay vốn (Tk&VV) do cộng đồng dân cư tự nguyện thành lập có sự tham gia giám sát của chính quyền cơ sở. Mô hình quản lý tín dụng trên đảm bảo cho NHCSXH duy trì một đội ngũ cán bộ gọn nhẹ nhưng quản lý được một số lượng lớn khách hàng do đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong việc trợ giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Niềm vui của chị Nguyễn Thị Tuyết, Quy Hậu, Tân Lạc, Hòa Bình, hộ vay vốn đã thoát nghèo (Ảnh: HNV)

Thêm nữa, với 15 năm hoạt động, NHCSXH đã xây dựng được kênh dẫn vốn phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách tới 100% các thôn (bản) trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng cơ sở vật chất, mạng lưới điểm giao dịch xã đủ điều kiện đáp ứng được nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, tận tụy, trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp giảm nghèo của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có tồn tại cần khắc phục, đó là: nguồn vốn huy động tại địa phương còn thấp so với tổng nguồn vốn, chủ yếu vốn vay cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn phụ thuộc vào nguồn vốn do trung ương chuyển về. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các huyện, thành phố còn chưa ổn định, chưa tương xứng với mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Công tác phồi hợp lồng ghép thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chuyển giao công nghệ, xây dựng nông thôn mới còn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Chất lượng tín dụng chưa đồng đều, việc bình xét một số nơi còn hình thức, xuê xoa…

Từ thực tiễn hoạt động, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Hòa Bình cho rằng, để phát huy thuận lợi, khắc phục tồn tại, cần chú ý các kinh nghiệm, trong đó chú ý tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, của NHCSXH Việt Nam, phát huy sức mạnh tổng hợp và đồng thuận của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng chính sách; thường xuyên kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp, nâng cao công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo vốn đầu tư đúng đối tượng, đúng chính sách; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức ủy thác, quản lý đội ngũ Tổ trưởng Tổ TK&VV, triệt để công khai chính sách ưu đãi tại cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch xã, phát huy dân chủ, chống tiêu cực trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ với cán bộ ngân hàng, cán bộ Hội và đội ngũ Tổ trưởng Tổ TK&VV…

Có thể thấy, chặng đường 15 năm đồng hành của tín dụng chính sách trên địa bàn đã đưa NHCSXH thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện sống, nâng cao trình độ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp họ vươn lên làm chủ cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Từ kết quả này, NHCSXH Hòa Bình đặt mục tiêu cho chặng đường tiếp theo là xây dựng NHCSXH trở thành một ngân hàng có cơ sở vật chất ổn định, tiên tiến, có công nghệ hiện đại theo kịp bước phát triển của hệ thống NHCSXH, phù hợp quá trình phát triển của địa phương, triển khai tốt các chương trình tín dụng của Chính phủ gắn liền với việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả thiết thực với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Cụ thể, từ nay đến 2020, NHCSXH tỉnh Hòa Bình phấn đấu đám bảo cung cấp tín dụng và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện. Nguồn vốn vay huy động tại địa phương tăng trưởng trên 20%/năm; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tăng trên 10 tỷ đồng/năm. Dư nợ các chương trình tín dụng tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm, đến 2020, có dư nợ trên 3.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn duy trì dưới mức 0,5% tổng dư nợ. Tỷ lệ giao dịch tại xã đạt trên 95%, trên 80% các xã không có nợ quá hạn, trên 90% Tổ TK&VV xếp loại tốt./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực