Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách ở Cao Phong theo hướng ổn định, bền vững

Thứ sáu, 19/01/2018 14:44
(ĐCSVN) – Thời gian tới, sẽ tập trung phát triển Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cao Phong theo hướng ổn định, bền vững; đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Địa chỉ tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn

Cán bộ tín dụng tại điểm giao dịch xã Bắc Phong, Cao Phong (Ảnh: HNV)

NHCSXH huyện Cao Phong được thành lập với nhiệm vụ thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Suốt những năm qua, vượt qua các khó khăn, thách thức, NHCSXH đã luôn kề vai sát cánh cùng người nghèo, các đối tượng chính sách khác. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng đã giúp cho hàng ngàn hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác; nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa nhanh chóng làm quen, tiếp cận với các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; nâng cao nhận thức về quản lý, sử dụng vốn vay; ổn định, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên làm giàu. Trải qua chặng đường 15 năm hoạt động giai đoạn 2002-2017, nay đã có những bước tiến phát triển mạnh mẽ, vững chắc từ đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất đến khối lượng, chất lượng tín dụng cũng như màng lưới hoạt động; thực sự trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Vũ Hoài Nam, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cao Phong chia sẻ, khi mới thành lập, NHCSXH huyện nhận bàn giao 02 chương trình tín dụng gồm: Hộ nghèo từ Agribank và Giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước với tổng dư nợ 14.682 triệu đồng với 1.462 khách hàng vay, nợ quá hạn 193 triệu đồng. Sau 15 năm hoạt động, NHCSXH huyện thực hiện cho vay tổng số 12 chương trình tín dụng (tăng thêm 10 chương trình mới); tốc độ dư nợ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 22,4%; giải ngân được trên 510.267 triệu đồng với 37.973 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; thu hồi nợ đến hạn, quá hạn trên 293.144 triệu đồng; tỷ lệ thu lãi bình quân hàng năm đạt trên 90% tổng số lãi phải thu. Đến 31/7/2017 tổng dư nợ 12 chương trình tín dụng chính sách đạt 231.805 triệu đồng trên 7.200 hộ đang vay ngân hàng (dư nợ bình quân trên 32 trđ/hộ), tăng 217.303 triệu đồng (gấp 14,9 lần) so với năm 2002.

Vốn tín dụng xanh những vườn cam (Ảnh: HNV)

Theo ông Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Cao Phong, những năm đầu thành lập, hoạt động do công tác quản lý, phối hợp giữa NHCSXH với UBND cấp xã, hội đoàn thể nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ TK&VV còn hạn chế; chưa có những giải pháp thực hiện hiệu quả; phần do ý thức trả nợ của người vay chưa tốt, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước; phần do nợ bị rủi ro thuộc nguyên khách quan, chủ quan; làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng trên địa bàn; cụ thể: nợ bị xâm tiêu chiếm dụng, nợ khoanh; lãi tồn lớn, nợ quá hạn cao và có chiều hướng gia tăng. Năm 2012, trên cơ sở Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên toàn huyện của NHCSXH huyện xây dựng được Trưởng Ban đại diện huyện, NHCSXH tỉnh phê duyệt; NHCSXH huyện đã tham mưu cho UBND cấp xã xây dựng Phương án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn xã, kiện toàn Ban giảm nghèo, thành lập Tổ đôn đốc nợ khó đòi và phân công nhiệm vụ đến từng thành viên BGN, Tổ đôn đốc nợ khó đòi, Trưởng xóm để phát huy vai trò lãnh đạo chỉ đạo, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thực hiện công việc liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Phối hợp với UBND cấp xã, Hội đoàn thể nhận ủy thác, Tổ TK&VV tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt trong quá trình hoạt động.

Cũng theo ông Dũng, thông qua đầu tư nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách, 15 năm qua, NHCSXH đã giải ngân được trên 510 tỷ đồng trên 37.973 lượt khách hàng, giúp trên 7.200 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội. Đầu tư hàng ngàn ha mía, cam; hàng ngàn con trâu, bò; xây dựng được trên 8.160 công trình nước sạch & vệ sinh môi trường, trên 1.350 công trình nhà ở cho hộ nghèo; tạo việc làm mới cho gần 1.300 lao động; giúp cho 282 lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài và trên 2.430 học sinh sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn được vay vốn theo học các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp, học nghề trên cả nước. Góp phần cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm; tạo sự công bằng trong xã hội và phát triển nguồn nhân lực; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; củng cố vững chắc hệ thống chính trị; giữ vững an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế địa phương; thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Họp Tổ Tk&VV Hải Phong, Bắc Phong, Cao Phong (Ảnh: HNV)

Đặc biệt, sau hơn 02 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW đã và đang thực sự đi vào cuộc sống; tạo sự chuyển biến rõ rệt nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể, người dân về vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong đời sống sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế xã hội của địa phương; các cấp, các ngành đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành đã giúp người dân, khách hàng vay nâng cao ý thức, sử dụng vốn vay hiệu quả và tự giác thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nộp lãi tiền vay, gửi tiết kiệm, chấp hành tốt các quy định cho vay; chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên; giúp NHCSXH nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.

Hơn nữa, nhằm thực hiện tốt chủ trương “xã hội hóa hoạt động NHCSXH” với mục tiêu “ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn ngay tại nơi cư trú, từ năm 2005 (theo chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam), NHCSXH huyện đã mở 13 Điểm giao dịch xã (trong khuôn viên trụ sở UBND các xã, thị trấn), thành lập Tổ giao dịch xã (từ 03 thành viên). Hàng tháng tổ chức giao dịch tại Điểm giao dịch, mỗi xã một phiên vào ngày cố định để thực hiện các hoạt động giao dịch của NHCSXH như: giải ngân, thu nợ, thu lãi; chi trả phí ủy thác, hoa hồng; huy động tiền gửi tiết kiệm, …. của khách hàng và các công việc khác liên quan đến hoạt động NHCSXH; tổ chức họp giao ban với UBND xã, hội đoàn thể nhận ủy thác, Tổ TK&VV để thông tin, đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu tín dụng; trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ; chấn chỉnh, phân tích nguyên nhân tồn tại, bàn giải pháp khắc phục; giao nhiệm vụ tháng tới. Tại các Điểm giao dịch xã đều niêm yết công khai, đầy đủ hoạt động của NHCSXH như: ngày giờ trực giao dịch, thông tin các tín dụng chính sách, nội quy giao dịch, sao kê danh sách hộ vay, hòm thư góp ý, đường dây nóng.

Thông qua hoạt động tại Điểm giao dịch xã, NHCSXH huyện đã phục vụ được gần 90.000 lượt khách hàng; tiết kiệm không ít thời gian, chi phí đi lại của người dân và càng ý nghĩa hơn với người nghèo, người thu nhập thấp, người dân đang sinh sống tại vùng sâu, vùng xa. Qua đó, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng, dễ dàng nắm bắt các chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước; giúp các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân đều có thể kiểm tra, giám sát được hoạt động NHCSXH; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với cấp ủy, chính quyền xã và lãnh đạo xã gần dân, sát dân hơn, hiểu dân hơn. Bên cạnh đó cũng giúp cho đội ngũ cán bộ NHCSXH có phong cách phục vụ, tác phong, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp hơn.

Những đồng vốn nghĩa tình

Thành công của vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Cao Phong thời gian qua được đánh giá là nhờ đã tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp lồng ghép triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, ban ngành với triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền xã thị trấn; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các xã thị trấn, tổ chức CT-XH, Tổ TK&VV; Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi; tích cực vận động tổ viên, hộ vay thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với việc vay vốn và công tác tập huấn, đào tạo cho cán bộ NHCSXH, tổ chức CT-XH, tổ TK&VV về ý thức, trách nhiệm, sự tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp; Phát huy tốt vai trò hệ thống kiểm tra giám sát của NHCSXH; Tổ chức thực hiện tốt các phiên giao dịch xã, chất lượng hiệu quả cuộc họp giao ban hàng tháng của NHCSXH. Duy trì, thực hiện nghiêm túc các buổi sinh hoạt định kỳ, bình xét cho tổ viên vay vốn. Tham gia phiên họp tổ Tiết kiệm vay vốn xóm Hải Phong, Bắc Phong, Cao Phong Hà Nội, dưới sự điều hành của Tổ trưởng Trần Thị Tám cùng sự chứng kiến của cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Cao Phong, chúng tôi càng thấy rõ hơn tinh thần nghiêm túc, công khai, rõ ràng trong bình xét và lựa chọn hộ được vay vốn.

Trong khi đó, theo hộ vay vốn Phạm Thị Hòa, Tổ Tiết kiệm và vay vốn xóm Hải Phong, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, gia đình chị vay vốn để trồng cam từ năm 2010. Đến nay, số vốn vay đã hoàn trả hết, chỉ còn một nguồn vốn vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn trị giá 12 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn vay mà gia đình chị đã thoát nghèo, từng bước vươn lên, có thu nhập ổn định từ vườn cam.

Vườn cam của hộ gia đình Vũ Thị Tuyết bị áp thấp gây ra ngập úng (Ảnh: T.Tùng)

Đến thăm hộ vay vốn Vũ Thị Tuyết tại Hải Phong, 300 gốc cam (cả cam lòng vàng và cam canh) đang vào vụ nhưng trước đó do ảnh hưởng của đợt áp thấp, vườn cam cũng bị ngập mình trong nước, gia đình cùng NHCSXH Cao Phong đang cùng thống kê số gốc cam bị ảnh hưởng để làm hồ sơ hỗ trợ theo diện hộ vay vốn khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Bắc Phong cho hay, xã đang có dư nợ tín dụng chính sách là 31 tỷ đồng triển khai cho các 11 chương trình cho vay. Hiện nay, xác đang có 257 hộ nghèo/1.087 hộ nhưng có tới 50% số hộ trồng cam. Hàng năm, cấp ủy và chính quyền địa phương đều đặc biệt quan tâm định hướng đồng thời xây dựng kế hoạch, quy hoạch nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự đáp ứng đúng và trúng đối tượng cần vay, không để xảy ra trường hợp quá nợ, hoặc trốn nợ nào.

Chia sẻ về hiệu quả của đồng vốn tín dụng chính sách, Chủ tịch UBND xã Vân Phong, Cao Phong Bùi Văn Yển cho hay, Vân Phong có dư nợ tín dụng chính sách hơn 17 tỷ đồng được triển khai đúng, trúng đối tượng và hiệu quả, hỗ trợ kịp thời các hộ nghèo thoát nghèo và đối tượng khó khăn triển khai sản xuất kinh doanh, chủ yếu là trồng cam. Ngoài ra, còn đầu tư trồng mía, chăn nuôi trâu bò…

Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai gần gũi, thiết thực và thuận tiện trên địa bàn đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo, thậm chí nhiều hộ đã vươn lên khá giả mở rộng thêm sản xuất với xuất phát điểm từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực