Tân Lạc (Hòa Bình): Niềm vui thoát nghèo từ đồng vốn tín dụng chính sách

Thứ năm, 04/01/2018 15:36
(ĐCSVN) – Về đất bưởi Tân Lạc, Hòa Bình, thăm và chứng kiến nhiều hộ nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi tín dụng chính sách đã thoát nghèo thậm chí vươn lên làm giàu và ngày càng khấm khá, chúng tôi thực sự thấy vui mừng và tin tưởng.

Mừng vì nguốn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả đúng với phương châm nguồn vốn dành cho người nghèo và ngân hàng của người nghèo. Tin tưởng vì nguốn vốn này đã và đang thực sự là “cứu cánh” của các hộ nghèo và cận nghèo nơi đây.

Khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương

Khách hàng tại PGD NHCSXH Tân Lạc, Hòa Bình (Ảnh: HNV)

Qua 15 năm (2003-2017), Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Tân Lạc đã giải ngân được 610.366 triệu đồng/49.551 lượt khách hàng vay vốn; vốn tín dụng ưu đãi đã đến tất cả các đối tượng thụ hưởng chính sách ở tất cả các thôn, xóm, kể cả vùng sâu, vùng xa, khó khăn đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo ổn định cuộc sống; nhiều học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Tân Lạc Đinh Công Sứ, trong 15 năm qua, huyện đã tổ chức tốt việc tiếp nhận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH Việt Nam, Ngân sách địa phương và huy động từ các tổ chức cá nhân đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính.

Ngược lại thời gian, từ những ngày đầu thành lập, NHCSXH Tân Lạc chỉ có một chương trình tín dụng chính sách là cho vay hộ nghèo, đến năm 2017, đơn vị đã đón nhận và triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ 293.577 triệu đồng; tăng 274.264 triệu đồng so với năm 2003, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm là 92%.

Cán bộ tín dụng cùng Tổ trưởng Tổ TK&VV và hộ vay vốn cùng trao đổi thông tin (Ảnh: HNV)

Có thể thấy, 15 năm noạt động, tín dụng chính sách đã khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Theo đó, đã tạo sự cân bằng giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại; đã có 49.551 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách đa được vay vốn từ 13 chương trình tín dụng chính sách. Nguồn vốn đã góp phần giúp  cho 13.031 lượt hộ thoát nghèo trong từng giai đoạn điều tra

Nguồn vốn của NHCSXH cùng nguồn vốn đối ứng từ Ngân sách Nhà nước đã giúp hộ nghèo xây dựng được 2.559 ngôi nhà để ổn định đời sống, nguồn vốn của NHCSXH huyện đã giúp các hộ dân tại 23 xã trong huyện xây dựng được 8.820 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, nâng chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn vốn vay, 223 lao động là con hộ nghèo, hộ chính sách xuất khẩu lao động, trên 38.000 lao động được tạo việc làm từ các chương trình tín dụng chính sách. Chương trình tín dụng HS-SV tuy mới triển khai từ năm 2007 song đã thu được kết quả to lớn, sau 10 năm thực hiện, đã đầu tư cho 3.241 học sinh, sinh viên là con hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giám đốc NHCSXH Tân Lạc Nguyễn Tuấn Ngọc, để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, để nâng cao năng lực tài chính, phản ánh đúng chất lượng tín dụng, những năm qua, trên địa bàn huyện, công tác xử lý nợ rủi ro luôn đươc quan tâm, 15 năm đã lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro cho 65 khách hàng trong đó khoanh nợ 638 triệu đồng gốc, xóa 302 triệu đồng gốc. Công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, phối hợp hiệu quả với quản lý nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).

Cũng theo Giám đốc Nguyễn Tuấn Ngọc, đáng chú ý là nâng cao chất lượng điểm giao dịch xã, tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã luôn đạt 98%, thu nợ 96%, thu lãi 98%; tăng cường củng cố và đánh giá chất lượng các Tổ Tk&VV theo hướng phối hợp với các tổ chức có liên quan để củng cố, sắp xếp lại một số tổ có số thành viên ít, để hoạt động có hiệu quả hơn

Khi mới nhận bàn giao từ ngân hàng phục vụ người nghèo và kho bạc nhà nước, nợ quá hạn toàn huyện 93 triệu đồng, chiếm 0,46% tổng dư nợ. Những năm đầu chất lượng cán bộ ngân hàng, chất lượng của cá đơn vị nhận ủy thác còn hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ quá hạn luôn chiếm tổng dư nợ: năm 2005 (2,17%), năm 2006 (1,52%), năm 2007 (1,25%), một số năm nợ quá hạn luôn chiếm xấp xỉ 1%. Thời gian qua, công tác kiểm tra giám sát được tổ cchwcs chính trị - xã hội tiến hành thường xuyên, chặt chẽ; chất lượng đội ngũ cán bộ ngân hàng cũng như cán bộ ủy thác được nâng lên, do đó, chất lượng đầu tư các chương trình tín dụng chính sách trong những năm qua được cải thiện đáng kể, nợ quá hạn giảm dần qua các năm, tính đến 31/7/2017, nợ quá hạn là 271 triệu đồng chiếm 0,09% tổng dự nợ.

Chủ tịch huyện Đinh Công Sứ cho biết thêm, về Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có tác động tích cực: năm 2016 và 2017 UBND huyện đã dành 300 triệu đồng nguồn vốn từ Ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Điều này cho thấy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với NHCSXH và sự đánh giá, nhìn nhận đúng vai trò của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Công tác củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn huyện nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các phòng, ban nên đạt nhiều kết quả. Nhờ vậy, trong hai năm gần đây, việc củng cố kiện toàn thay thế các tổ TK&VV yếu kém được thực hiện hiệu quả, đã xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan cho khách hàng bị thiệt hại, xây dựng và triển khai phương án củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trên những địa bàn có chất lượng tín dụng hạn chế.

15 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND và Ban đại diện HĐQT, sự phối hợp tích cực các tổ chức chính trị  - xã hội nhận ủy thác, sự nhiệt tình và trách nhiệm cảu Ban quản lý Tổ TK&VV, chất lượng hoạt động tín dụng cho vay ưu đã được củng cố, hoạt động cho vay được thông suốt với thủ tục đơn giản, nguốn vốn đã đến tay người nghèo và các đối tượng chính sách kịp thời.

Với doanh số cho vay trên 610 tỷ đồng trong 15 năm và đầu tư đến 100% địa bàn khó khăn, các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 30,47 triệu đồng/nhân khẩu/năm (năm 2016) và giúp cho 13.031 hộ thoát nghèo; góp phần đáng kể vào mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn, phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống.

Niềm vui thoát nghèo và mong muốn làm giàu được nhân lên

Bà Trịnh Thị Quỳnh Nga, Tổ trưởng Tổ TK&VV Quy Hậu, Tân Lạc cho biết, hiện, Tổ do bà quản lý có 35 hộ thì trong đó có 33 hộ đều đã vay vốn ưu đãi của NHCSXH, tổng dư nợ của Tổ hiện tại là 1.126,5 triệu đồng

Vợ chồng chị Bùi Thị Hiển, hộ vay vốn đã thoát nghèo chăm sóc vườn mía của gia đình (Ảnh: HNV)

Theo chân Tổ trưởng Trịnh Thị Quỳnh Nga, chúng tôi đến hộ vay vốn Bùi Thị Hiển, dân tộc Mường. Hai vợ chồng chị Hiền đang tất bật trong khu đất của gia đình để chuẩn bị xây nhà mới. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH anh chị đã mua 1 con bò, đến nay, cả gia đình đã có 8 con bò. Ngoài nuôi bò, gia đình còn đầu tư trồng mía. Chị Hiển chia sẻ, nhờ sự quan tâm và sâu sát của Tổ trưởng và Hội Phụ nữ xóm, gia đình chị Hiển đã có điều kiện để thoát nghèo. Trên nền đất của nhà cũ chuẩn bị xây nhà mới, bên khuôn viên gia đình, chị Hiển tâm sự: năm 1995 chị cùng gia đình chuyển từ Bắc Sơn về Quy Hậu trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn và thiếu thốn. Nhà vách nứa trong một diện tích ban đầu là 2800m2 mà đất là của bà ngoại cho, hai anh chị phải đi làm thuê, chạy chợ nhưng không có một chiếc xe… Gặp được chị Nga năm 2007, được đưa vào diện vay vốn ưu đãi của NHCSXH do hoản cảnh gia đình quá khó khăn, thời điểm đó, gia đình chị vay 10 triệu mua được cặp bò, sau đó dần dần, bò sinh đẻ. Gia đình chị bán con bò đực được 16 triệu cộng với hỗ trợ của anh chị em, hàng xóm, đầu tư mua thêm cặp trâu hơn 30 triệu song song với trồng mía, nuôi lợn Mường, nuôi gà. Từ khoản vay hộ nghèo năm 2007, đến năm 2011, gia đình chị Bùi Thị Hiển đã thoát nghèo và ngày càng có điều kiện kinh tế hơn. 

Chia sẻ về hộ vay Bùi Thị Hiển, Tổ trưởng Quỳnh Nga cho biết thêm, hộ vay vốn Bùi Thị Hiển thực hiện nghĩa vụ hộ vay vốn rất tốt, chấp hành nghiêm túc thời gian nộp gốc, lãi và tiết kiệm.

Chia tay chị Hiển và chứng kiến nụ cười hạnh phúc của chị, thầm mong căn nhà nho nhỏ xinh xinh khang trang hơn của anh chị sẽ nhanh chóng xây dựng xong cũng như mong đàn bò, đàn lợn mau lớn, mau cho lợi nhuận, mong cho vườn mía vẫn tiếp tục là nguồn thu bền vững của gia đình và nguồn vốn tín dụng chính sách sẽ tiếp tục đồng hành với những hộ nghèo, hộ cần nghèo, hộ sản xuất kinh doanh đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, hộ vay vốn thoát nghèo Quy Hậu, Tân Lạc, Hòa Bình (Ảnh: HNV)

Đến với gia đình hộ vay Nguyễn Thị Tuyết – Quách Trọng Hùng, chúng tôi thực sự bị ngợp trước khuôn viên khang trang của gia đình và vườn bưởi sai trĩu quả. Chị Tuyết kể, cách đây 12 năm, gia đình còn rất nghèo, gia đình ở nhà có hai gian bé tí cộng với việc anh Hùng – chồng chị bị tai nạn nghiêm trọng, gẫy hết tay chân nên mọi vịêc dồn hết vào vai người vợ. Từ nguồn vốn vay hộ nghèo ban đầu năm 2005 có trị giá 5 triệu rồi đến nguồn vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn năm 2015 trị giá 8 triệu và nguồn vốn vay hộ sản xuất kinh doanh khó khăn năm 2017 trị giá 30 triệu, đến nay, gia đình chị Tuyết anh Hùng đã có một cơ ngơi khang trang, khá đồ sộ trên tổng diện tích 1000m2. Ngoài vườn bưởi với  17 gốc ban đầu, giờ đã lên hàng trăm gốc, gia đình anh chị còn làm thêm các loại bánh đem giao ngoài chợ. “Đây cũng là một trong nhiều hộ gia đình có nhu cầu vay thêm và vay nguồn vốn cao hơn để phục vụ sản xuất kinh doanh” – Tổ trưởng Quỳnh Nga nói.

Còn nhiều hộ gia đình ở Tân Lạc nữa nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, nguồn vốn ở đây được dùng mua bò, tậu trâu, chăn nuôi gia súc nhưng phần nhiều hơn nữa là đầu tư trồng mía, trồng bưởi, đặc biệt vài năm trở lại đây, bưởi đỏ Tân Lạc đang trở thành một thương hiệu nông sản được tin dùng. Nhiều hộ dân đã đầu tư mở rộng các vườn bưởi, lúc lỉu trĩu trịt trái ngọt hoa thơm…

15 năm, NHCSXH Tân Lạc đã khẳng định một cách đi, một mô hình quản lý tín dụng chính sách sáng tọa, đặc thù do NHCSXH Việt Nam xây dựng và áp dụng tại cơ sở, đó là sự liên kết giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác một số khâu trong quy trình cho vay, cùng với tổ TK&VV do cộng đồng dân cư tự nguyện thành lập có sự giám sát của chính quyền. Mô hình tín dụng này đảm bảo NHCSXH duy trì một đội ngũ cán bộ gọn nhẹ nhưng quản lý được một số lượng khách hàng lớn do huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc trợ giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, cũng vẫn còn hạn chế, tồn tại, đó là: chất lượng tín dụng chưa đông đều, một số nơi phát sinh nợ quá hạn, lãi tồn đọng phần lớn do Ban giảm nghèo, Hội ủy thác cấp xã chưa tích cực đôn đốc, thiếu kiên quyết và thực hiện không nghiêm túc các giải pháp do Ban đại diện HĐQT-NHCSXH huyện chỉ đạo. Mặt khác, kỹ thuật canh tác, sản xuất của người dân còn thiếu dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn thấp. Một số tổ chức hội chưa bao quát toàn diện đến nội dung ủy thác gồm 6 công đoạn, chủ yếu quan tâm đến giải ngân chưa quan tâm đúng mức tới tuyên truyền chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ TK&VV, việc sử dụng vốn của tổ viên và đôn đốc thu hồi nợ. Việc tổ chức bình xét cho vay và sinh hoạt đình kỳ tổ có nơi còn hình thức, một số nơi công tác tuyên truyền, phổ biến chưa được quan tâm đúng mức…

Bởi thế, theo chủ tịch UBND huyện Đinh Công Sứ, đến năm 2020, sẽ tập trung phát triển NHCSXH Tân Lạc theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, tập trung đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được tếp cận vốn tín dụng chính sách. Nguồn vốn bổ sung từ Ngân hàng cấp trên tăng trưởng từ 12-15%/năm, nguồn vốn huy động tại địa phương tăng trưởng 20%/năm, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện tăng khoảng 500 triệu đồng/năm. Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 100% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt từ 12 đến 15%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1%/tổng dư nợ.

Để đạt được mục tiêu đó, cần bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Tân Lạc, mục tiêu nhiệm vụ của NHCSXH Việt Nam và tỉnh Hòa Bình, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ ủy thác, chất lượng của các tổ TK&VV cũng như tích cực đề xuất các cấp, ngành tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác sản xuất cho người dân để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Tổ chức tập huấn cho ban quản lý Tổ TK&VV, phổ biến với các thành viên vay vốn về mục đích ý nghĩa của việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua các tổ, cùng với việc hiện đại hóa hoạt động NHCSXH và thực hiện các dịch vụ mới, từng bước mở, tạo lập thêm các nguồn vốn ổn định, bền vững để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tăng cường kiểm tra giám sát của Ban đại diện HĐQT, kiểm tra nội bộ NHCSXH và kiểm tra giám sát của các tổ chức xã hội trên địa bàn, trong đó chú trọng chất lượng các cuộc kiểm tra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi, nguyên tắc vay vốn, quy trình, thủ tục vay vốn, các sản phẩm dịch vụ mới, thực hiện tốt công khai, minh bạch, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực phát sinh. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua sâu rộng trong công nhân viên chức và người lao động hướng tới các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước, ngành và địa phương, tổ chức sơ kết tổng kết rút kinh nghiệm và tôn vinh kịp thời các điển hình tiêu biêu trong công tác đóng góp tích cực vì sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực