Cần quy định cụ thể vai trò, nhiệm vụ, tính pháp lý nghề công tác xã hội

Thứ tư, 08/10/2014 15:34

(ĐCSVN) - Công tác xã hội là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già...). Sứ mạng của ngành công tác xã hội là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công, bất bình đẳng. Ngoài ra, chức năng của nghề còn là chữa trị, phòng ngừa, phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam nghề công tác xã hội hiện chưa được nhìn nhận thỏa đáng.

Theo thống kê mới nhất do Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội, hiện cả nước có số người cần trợ giúp các dịch vụ công tác xã hội (CTXH) đã lên tới gần 28% dân số, trong đó gồm 7,5 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 12% hộ gia đình nghèo, hơn 180.000 người bị nhiễm HIV được phát hiện và một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội khác... Ngoài ra, sự phát triển kinh tế hiện đang tiếp tục có nguy cơ cao đẩy khoảng cách giàu nghèo tăng. Người nghèo chủ yếu tập trung ở nông thôn với điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu. Bên cạnh những vấn đề do di chứng chiến tranh, nhiều vấn đề về xã hội phát sinh: Nghiện rượu, ma túy, nạn bạo hành trong gia đình, thất nghiệp, lạm dụng trẻ em, sức khỏe tâm thần, người cao tuổi cô đơn...

 

Tư vấn, dậy nghề, hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế cũng là một nhiệm vụ
của nhân viên công tác xã hội. 
(Ảnh: Trần Quỳnh)

Hiện nay, rất nhiều người quan niệm nghề CTXH là đi làm tình nguyện, giúp người nghèo trong xã hội. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: "Những hành động trên là đáng quý, cần phát huy trong xã hội, nhưng đứng về góc độ nghề nghiệp thì đây chưa phải là nghề CTXH. Do đó, thời gian tới, nhằm thiết thực hơn nữa hướng tới giải pháp dài hơi, “trao cần câu chứ không trao con cá”, nghề CTXH cần phải được được hình thành, công nhận, có quy định cụ thể, kỹ càng nhằm đảm bảo việc giúp đỡ, hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực nhất đối với các cá nhân, nhóm xã hội và cộng đồng dân cư, thúc đẩy giải quyết các vấn đề phát sinh, giúp họ có thể dễ dàng tiếp cận, hòa đồng, hòa nhập bền vững trong xã hội như những người khác...

Tại Việt Nam, nghề CTXH được biết đến trong khoảng 10 năm gần đây. Trong đó, đáng lưu ý, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 -  2020 (Đề án 32), tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nghề CTXH tại Việt Nam. Có thể nói, trên cở sở được nhìn nhận đúng đắn, có định hướng rõ ràng, theo quy định đã giúp cho những người làm nghề CTXH có thể thuận lợi hơn trong quá trình thâm nhập vào nhiều “lát cắt” của cuộc sống, của xã hội, trong đó bao gồm các hoạt động cụ thể như: Bảo vệ trẻ em, giúp đỡ các gia đình bị mâu thuẫn, hỗ trợ tâm lý và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo trợ người khuyết tật... So với sự hình thành và quá trình phát triển nghề CTXH ở Việt Nam thời gian qua với một số quốc gia trên thế giới (có nơi nghề này đã hình thành và phát triển hơn 100 năm), thì những cố gắng, đóng góp của những người tham gia nghề CTXH tại Việt Nam rất đáng được ghi nhận, trân trọng và biểu dương.

Về pháp lý, hiện những quy định về nhiệm vụ, vai trò của nhân viên khi tham gia các dịch vụ CTXH còn chưa cụ thể, rõ ràng, do đó cũng cần một khoảng thời gian để hoàn thiện. Đơn cử ngay như việc nhận thức của các ngành, các cấp và người dân còn chưa nhiều về ngành CTXH; nhiều người chưa “nhận dạng” được nhân viên CTXH là ai, làm việc gì và ở đâu? Vai trò, nhiệm vụ CTXH là gì, sự khác biệt với các ngành nghề liên quan khác?... Cùng với đó, mạng lưới tổ chức dịch vụ CTXH từ cấp Trung ương tới địa phương hiện vẫn chưa hoàn thiện. Cả nước chỉ có khoảng hơn 35.000 người làm nghề CTXH, trong khi nhu cầu cần tới hơn 60.000 người. Tình trạng không được đào tạo chuyên ngành tới hơn 80%. Các hoạt động mang nặng tính quản lý nhà nước hơn là hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt.

Do đó, thiết nghĩ trong thời gian sớm nhất, các cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể về vai trò, nhiệm vụ, tính pháp lý nghề công tác xã hội cũng như kế hoạch triển khai đào tạo, huấn luyện người làm nghề CTXH để thuận lợi trong công tác quản lý, định hướng, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nghề công tác xã hội và những người làm nghề được nhìn nhận đúng đắn, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực