Hà Tĩnh: Chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên, cộng tác viên nghề công tác xã hội

Thứ năm, 25/09/2014 14:56

(ĐCSVN) - Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 360 nghìn người (chiếm khoảng 30% dân số) cần tới sự trợ giúp của các dịch vụ xã hội. Chính vì thế, tỉnh đặt ra mục tiêu nâng cao nhận thức về nghề Công tác xã hội, phát triển Công tác xã hội trở thành một nghề; đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng và đạt yêu cầu về chất lượng.

Những kết quả ban đầu

Tỉnh Hà Tĩnh Xây dựng Đề án phát triển Nghề Công tác xã hội, đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ xây dựng, kiện toàn và phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội (CTXH) trong toàn tỉnh, bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn có từ 1 - 2 cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên. Cùng với đó sẽ tiếp nhận tuyển dụng 100 cán bộ có bằng cấp, chứng chỉ nghề CTXH vào các cơ quan cấp tỉnh, huyện, thành phố và thị xã hội. Xây dựng 2 mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH trực thuộc thị xã Hồng Lĩnh và huyện Kỳ Anh. Đào tạo và đào tạo lại 150 cán bộ CTXH và tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho 500 lượt người...

 

 Nghề Công tác xã hộ ngày càng được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng phát triển
(Nguồn: baohatinh.vn)


Thực hiện Đề án, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nội dung và các văn bản hướng dẫn thực hiện cho 669 người là cán bộ làm công tác xã hội từ tỉnh, huyện, các xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp các ngành, cán bộ địa phương cơ sở hiểu biết về nghề CTXH, về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ CTXH. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng giới thiệu về nghề CTXH thông qua các tin, bài.... nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức điều tra, rà soát nhu cầu đào tạo, đào tạo lại nghề CTXH, qua đó đã có 1.084 người đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, huyện và các địa phương có nhu cầu được đào tạo ở các cấp, bậc khác nhau như trung học, cao đẳng, đại học; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về nghề công tác xã hội. Trên cơ sở đó đã mở được 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 309 người, với tổng kinh phí 600 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ. Trong năm 2013, Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nghề CTXH cho 200 người, đào tạo trình độ đại học hệ vừa học vừa làm cho 80 người. Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thiện đề án hình thành Văn phòng cung cấp dịch vụ nghề công tác xã hội gửi Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh xã hội tham mưu cho UBND tỉnh quyết định thành lập. Khi Trung tâm được thành lập và đi vào hoạt động sẽ đẩy nhanh tiến độ phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ trợ giúp các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương.

Vẫn còn đó những khó khăn

Theo khảo sát của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, toàn Tỉnh có hơn 159.000 người cao tuổi; 53.250 đối tượng người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh; 46.183 đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng; 67.733 đối tượng tàn tật, gần 99.100 hộ nghèo và cận nghèo; 15.516 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 Trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc ngành Lao động Thương binh và Xã hội. Hàng năm, các trung tâm này tiếp nhận, quản lý thường xuyên hàng trăm đối tượng già cả, cô đơn, tàn tật, trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa, các đối tượng xã hội khác.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thanh Nhàn - Phó phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh), hiện toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 1.000 cán bộ làm CTXH trong các lĩnh vực khác nhau: ngành Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục đào tạo, Y tế, Tư pháp, các đoàn thể chính trị xã hội… Đội ngũ cán bộ đa số được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, có chuyên môn nhưng hầu hết chưa được trang bị những kiến thức và kỹ năng làm CTXH. Nhất là cán bộ làm việc trực tiếp với đối tượng xã hội đã gặp không ít khó khăn trong tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn và thực hiện chính sách xã hội ở cơ sở. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đề án, Hà Tĩnh đã gặp phải một số khó khăn nhất định như kinh phí bố trí cho đề án còn ít, đội ngũ cán bộ nhân viên làm CTXH, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn còn thiếu, đa số chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng về nghề công tác xã hội. Thêm nữa, Hà Tĩnh vẫn là một tỉnh nghèo, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, kinh tế chậm phát triển, việc thực hiện chính sách xã hội ở một số nơi chưa đảm bảo, thiếu kịp thời. Đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là các gia đình chính sách, người tàn tật, già cả neo đơn, trẻ em mồ côi mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa tiếp cận một cách đầy đủ các cơ chế chính sách nhà nước, công tác dịch vụ xã hội chưa phát triển, nguồn nhân lực và bộ máy thực hiện nghề công tác xã hội còn nhiều hạn chế.

Trong đánh giá sơ kết 4 năm của Đề án, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Với các hoạt động thiết thực từ mô hình Cộng tác viên CTXH trong mấy năm vừa qua, Hà Tĩnh tuy đã có đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình, tận tâm, biết lắng nghe và luôn tạo điều kiện hướng dẫn, giúp đỡ các đối tượng giải quyết những vấn đề bức xúc, nhiều mô hình tham gia tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà tình thương… nhưng vẫn cần phải cố gắng hơn nữa để tạo sự phấn khởi, lòng tin và sự đồng thuận trong người dân nói chung và đối tượng thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội nói riêng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực