Hội nạn nhân chất độc da cam TP. Đà Nẵng: tất cả vì tương lai tươi sáng của nạn nhân

Thứ năm, 23/10/2014 10:34
(ĐCSVN)Mặc dù công việc còn bộn bề, khó khăn còn chồng chất, nhưng Hội Nạn nhân chất độc da cam TP. Đà Nẵng vẫn vững tin trên con đường mình đã chọn – Vì nạn nhân chất độc da cam.

Thành lập năm 2005, Hội Nạn chất Chất độc da cam Thành phố Đà Nẵng gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại. Với số nạn nhân chất độ da cam/điôxin (CĐDC) lên tới 5.000 người, trong đó có hơn 1.400 trẻ em. Việc gây nguồn quỹ hoạt động, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC của Hội cũng rất khó khăn bởi số lượng người quá ít ỏi, chưa có kinh nghiệm. Nhưng với sự quyết tâm của ban lãnh đạo Hội đã chủ động đề ra chương trình hành động cụ thể, kêu gọi toàn Hội "đoàn kết - nhân ái - chủ động - sáng tạo", tất cả vì nạn nhân CĐDC; từng bước xây dựng các dự án thiết thực, phát động phong trào "Vì nạn nhân chất độc da cam" để vận động các tổ chức và cá nhân trong cộng đồng tham gia góp phần chăm sóc các nạn nhân.

 

Những nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm phục hồi chức năng cơ sở 1
thuộc Hội nạn nhân chất độc da cam TP. Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Quỳnh)


Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới tổ chức Hội các cấp, thu nạp hội viên, kêu gọi hội viên tích cực tham gia các hoạt động thường xuyên của Hội để giúp đỡ nạn nhân tại cộng đồng, Ban lãnh đạo Thành hội Đà Nẵng đã sớm có ý tưởng xây dựng Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC. Ý tưởng này được phúc đáp từ đề nghị các gia đình nạn nhân, được các nhà tài trợ trong nước ủng hộ, nhiều tổ chức quốc tế quan tâm, nên chỉ sau 1 thời gian ngắn sau khi thành lập, tháng 9/2006, Hội đã thành lập Trung tâm bảo trợ nạn nhân CĐDC và trẻ em bất hạnh TP. Đà Nẵng bằng nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với tổng mức kinh phí gần 1 tỷ đồng, ban đầu nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, đào tạo nghề, phục hồi chức năng, dạy học… cho 30 cháu là nạn nhân CĐDC và trẻ khuyết tật.

Đầu năm 2007, Hội đã tiến hành thành lập tiếp cơ sở 2 tại quận Hải Châu do Tổ chức Formons Une Familli Canada mua tặng với tổng trị giá 1,2 tỷ đồng, tiếp nhận nuôi dưỡng cho 30 cháu với hình thức bán trú. Đến nay, cơ sở 3 của Trung tâm đã được xây dựng và đi vào hoạt động nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Lanza (Hoa kỳ). Hội cũng vận động được tiền mua một xe ô tô chuyên dụng 16 chỗ trị giá 60.000 USD để phục vụ việc đưa đón các cháu khuyết tật do CDDC đến trung tâm hàng ngày.

Đến năm 2013, xuất phát từ nguyện vọng chính đáng và tha thiết của nạn nhân CĐDC và các đối tượng xã hội, Hội đã kêu gọi và có được nguồn kinh phí từ Quỹ Harris Freeman Foundationn tài trợ xây dựng, khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm xông hơi, giải độc, phục hồi chức năng nhằm chăm sóc, cải thiện sức khoẻ, xông hơi, thải độc cho các nạn nhân CĐDC và người có nhu cầu của TP. Đà Nẵng.
 

  

Cháu là nạn nhân chất độc da cam vừa được học văn hóa vừa được học nghề
 vừa được hỗ trợ phục hồi chức năng tại các Trung tâm phục hồi chức năng
 trực thuộc Hội nạn nhân chất độc da cam của TP. Đà Nẵng
(Ảnh: Trần Quỳnh)


Như vậy, đến nay, sau gần 10 năm xây dựng và phát triển, 100% quận, huyện toàn Thành phố đã thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam và hoạt động từng bước đi vào ổn định, nền nếp; có 90% số xã, phường đã có chi Hội; toàn thành phố có 1.700 hội viên và có 50 hội viên là người nước ngoài tự nguyện gia nhập Hội.

Ngoài 3 cơ sở chăm sóc nạn nhân CĐDC, 1 trung tâm thải độc, Hội nạn nhân CĐDC TP. Đà Nẵng đã vận động, kêu gọi được gần 55 tỉ đồng, thông qua nhiều hoạt động như: vận động tài trợ, tổ chức chương trình giao lưu trực tiếp “Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam”, “Đồng hành cùng nỗi đau da cam, “Yêu thương và Kết nối”… Số tiền này dùng để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC trên địa bàn thành phố bằng nhiều hình thức như: trợ cấp hàng tháng, xây dựng và sửa chữa nhà tình thương, hỗ trợ vốn chăn nuôi, sản xuất, hỗ trợ khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, tặng quà vào các dịp lễ, tết… góp phần giúp các gia đình nạn nhân từng bước cải thiện kinh tế, vượt qua khó khăn, hoà nhập cộng đồng.
 
Không chỉ giúp đỡ các nạn nhân CĐDC phục hồi các chức năng về trí tuệ, hoà nhập cộng đồng, các trung tâm của Hội còn tìm cách đào tạo nghề phù hợp, đơn giản cho các cháu nạn nhân CĐDC tiến bộ, các chức năng vận động về chân tay đã dần hồi phục như: làm hoa vải, đam cườm, làm ngang, học may, học vi tính. Thông qua các hoạt động học nghề, các chức năng về vận động và trí tuệ của các cháu được cải thiện rõ rệt, từng bước giúp các cháu tự tin, hoà nhập hơn, đồng thời giúp các cháu về sau có thể tự nuôi sống bản thân bằng vốn nghề sẵn có. Bản thân Trung tâm với 32 cán bộ hợp đồng do Thành Hội tự trả lương, thì có tới 7 nhân viên là nạn nhân CĐDC.

Với những đóng góp cho địa phương và cộng đồng, Hội nạn nhân chất độc da cam TP. Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ trao nặng bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc; UBND TP trao tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc dẫn đầu TP; Huân chương Lao động hạng 3 vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Tháng 5 vừa qua, Hội được Quỹ Nhi đồng LHQ tại Việt Nam chọn là 1 trong 3 tổ chức trên cả nước có những thành tựu đặc biệt về chăm sóc, giúp đỡ trẻ em khuyết tật, trong đó có nạn nhân CĐDC.

   

Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do những nạn nhân chất độc da cam trực tiếp làm ra
đã thu hút được sự quan tâm của du khách. (Ảnh: Trần Quỳnh)


Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội cho biết, bà rất vui khi những hoạt động của Hội đã góp phần rất lớn để cải thiện cuộc sống của những nạn nhân và gia đình nạn nhân CĐDC. Bà hoàn toàn có thể tự hào khi hoạt động của Hội đã và đang đi theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, đồng thời tham gia đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, bà Hiền cũng không khỏi trăn trở khi trước mắt, hoạt động của Hội còn gặp rất nhiều khó khăn, do hoạt động của Hội dựa trên nguồn kinh phí tự vận động, nên không có tính bền vững và lâu dài. Hơn nữa, 100% cán bộ Hội kiêm nhiệm, không có định suất cố định. Số cán bộ này tham gia với tinh thần tự nguyện, không có kinh phí hoạt động từ quận, huyện, xã phường, không gắn trách nhiệm cá nhân, nên thay đổi liên tục, dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao. Trong khi đó, số lượng nạn nhân yêu cầu được chăm sóc, cứu trợ quá nhiều mà khả năng của Hội chưa đáp ứng...

Bà Hiền còn cho biết, để đảm bảo việc duy trì và tổ chức các hoạt động tại các cơ sở thuộc Trung tâm, Hội dự kiến bên cạnh việc thường xuyên kêu gọi các tổ chức, cá nhân quốc tế quan tâm hỗ trợ, Hội sẽ tập trung tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, tăng gia sản xuất (sản xuất nước đóng chai, làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nuôi lợn, gà…), chủ yếu phục vụ cho việc sinh hoạt ăn uống hàng ngày của các cháu, bên cạnh đó nguồn thu sẽ góp phần vào việc đảm bảo mức lương tối thiểu cho đội ngũ cán bộ làm việc tại Trung tâm.

Hy vọng, với tâm huyết của ban lãnh đạo Hội, sự nhiệt tình, cố gắng của các hội viên, Hội nạn nhân CĐDC TP. Đà Nẵng tiếp tục phát triển tốt, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố Đà Nẵng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực