Làng Hữu Nghị Việt Nam: Ngôi nhà của tình thương và lòng nhân ái

Thứ ba, 14/10/2014 14:10
(ĐCSVN) – Làng Hữu Nghị Việt Nam, nơi những người Cựu chiến binh và những đứa con của họ đang ngày đêm vật lộn với cơn đau do di chứng của chất độc da cam/điôxin, hậu quả của hai cuộc chiến tranh ác liệt để lại. Nhưng tại đây đã xuất hiện những con người có tấm lòng yêu thương và việc làm cao cả để phần nào làm xoa dịu nỗi đau của những mảnh đời kém may mắn.

Làng Hữu nghị Việt Nam trực thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Đến Làng Hữu Nghị Việt Nam chắc chắn ai cũng phải ngỡ ngàng khi thấy một màu xanh đầy sức sống của cây cối, những ngôi nhà mái đỏ tường vàng, những mảnh vườn trồng rau tươi tốt đang phơi mình trong nắng, thật thanh bình. Nhưng cũng chính tại nơi đây đang ngày đêm tham gia giải quyết hậu quả do chiến tranh để lại, đó là hàng trăm nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đang được nuôi dưỡng, điều trị tại Làng.

Sau chiến tranh Việt Nam, với sự cảm thông sâu sắc, ông Gioóc-giơ Mai-dô - Cựu chiến binh người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã thăm lại chiến trường xưa và vận động nhiều bạn bè cựu chiến binh ở Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản… tổ chức quyên góp, lập đề án thành lập một trung tâm nuôi dưỡng, chữa trị cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam. Trải qua 16 năm phát triển, làng đã đón được hơn 4.000 lượt cựu chiến binh về chăm sóc và hơn 600 lượt trẻ em nhiễm chất độc da cam. Các em về đây không chỉ được nuôi dưỡng mà còn được chăm sóc, dạy dỗ và đào tạo nghề.

 

Để các em biết đọc, biết viết là niềm mong mỏi lớn nhất của các cán bộ,
nhân viên chăm sóc nơi đây. Ảnh: Kim Sơn

Ông Đặng Vũ Dũng - Giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam cho biết, trong 120 em được nuôi trong Làng, có đến 2/3 là bị thiểu năng trí tuệ, công việc chăm sóc đòi hòi phải vô cùng kiên trì và tâm huyết. Đối với những em bị khuyết tật nhưng nhận thức bình thường sẽ được xếp vào các lớp học văn hóa, học nghề hoặc phục hồi chức năng, còn những em nhận thức chậm sẽ được xếp vào những lớp giáo dục đặc biệt. Hiện nay, cả làng có 5 lớp học giáo dục đặc biệt và 4 lớp học nghề: tin học văn phòng, thêu tranh, may đo và làm thiệp, làm hoa trang trí. Qua việc lao động, vận động các kỹ năng như vậy giúp các em phần nào phục hồi chức năng, nâng cao trí lực, để hướng các em có được một nghề sau này có thể tự xoay sở trong cuộc sống.

Được biết, năm vừa qua, Làng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị bệnh cho các đối tượng là cựu chiến binh và trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Hiện nay, Làng thường xuyên duy trì điều dưỡng từ 70 - 80 lượt cựu chiến binh và khoảng 120 em là nạn nhân chất độc da cam. Ngoài trung tâm y tế tại Làng, các trường hợp bệnh nặng đều được chuyển tới Bệnh viện quân đội 103; để bảo đảm hậu cần, tại Làng có vườn rau sạch, có khu chăn nuôi lợn; nuôi gà... Từng giờ, từng ngày, các cán bộ, nhân viên của Làng luôn cùng sống, cùng phục vụ các cựu chiến binh và các em bị ảnh hưởng chất độc da cam với tất cả trách nhiệm cao cả của mình. Chương trình giáo dục đặc biệt tại Làng có nhiều chủ đề phong phú, đa dạng gần gũi và sát thực với cuộc sống như học về động vật, thực vật, giao thông, kỹ năng giao tiếp, phân biệt màu sắc, hình khối. Làng tổ chức từ lớp 1 đến lớp 5, em nào có khả năng tiếp thu sẽ được học nghề. Gần đây lớp tin học đã đưa chương trình chỉnh sửa ảnh vào giảng dạy. Một số em đã biết sử dụng thanh công cụ, chỉnh sửa ảnh và tạo mẫu sản phẩm trên đồ dùng.

      

 Ngoài thời gian học chữ, học nghề, các em được đưa đến phòng phục hồi chức năng 
để tập luyện, khắc phục khó khăn về vận động. Ảnh: Kim Sơn


Chị Trần Thị Ban, người đã gắn bó công việc tại Làng Hữu nghị gần 10 năm nay tâm sự, chị đang phụ trách lớp giáo dục đặc biệt, "là mẹ" của gần 20 em nhỏ bị tật, chậm trí tuệ, em lớn nhất đã 24 tuổi, em nhỏ nhất chỉ hơn 8 tuổi. Mỗi em một tính cách, đứa khó tính, đứa ưa nịnh nên phải thực sự kiên nhẫn, tâm huyết và có lòng thương yêu thực sự mới có thể hiểu hết được từng thói quen, từng tâm tư tình cảm các em.

Nhiều năm qua, bạn bè quốc tế, đông đảo cựu chiến binh cả nước ghi nhận, Làng Hữu Nghị Việt Nam trở thành địa chỉ đáng tin cậy của tình người và lòng nhân ái, của đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và "Ðền ơn đáp nghĩa". Những huân chương, huy chương dành cho Làng nhiều lắm, nhưng lớn nhất vẫn là lòng tin yêu, khâm phục với các thế hệ cán bộ, nhân viên và những người đã chung tay góp sức xây dựng nên Làng Hữu Nghị Việt Nam.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực