Lạng Sơn: Quyết tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh

Thứ sáu, 26/09/2014 09:02

(ĐCSVN) - Thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực cố gắng, các Sở, ban ngành, các cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn luôn quan tâm, thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc trẻ em, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, bị nhiễm HIV/AIDS, là nạn nhân của chất độc hoá học, tàn tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm hoạ dựa vào cộng đồng, đã và đang tiếp tục đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Thực hiện công tác chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK), do thời gian qua, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, công tác thống kê, báo cáo về số liệu trên địa bàn toàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Theo đó, năm 2009, ước tình trên địa bàn tỉnh có trên 2000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc 5 nhóm đối tượng theo Quyết định số 64/QĐ - TTg ngày 25/3/2010. Trong đó trẻ em mồ côi là hơn 700 trẻ; trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS trên 100 trẻ; trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học 300 trẻ; trẻ em tàn tật nặng gần 700 trẻ; trẻ em bị bỏ rơi gần 100 trẻ.... Thời gian gần đây, công tác lập số liệu, thống kê đã có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo tính chính xác, đẩy đủ tương đối cao đã phần nào giúp cho công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả cao. Số liệu do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh công bố mới đây cho biết, thời điểm hiện tại số trẻ em có HCĐBKK thuộc 10 đối tượng theo quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc trẻ em có khoảng 4.600 trẻ em. Trong đó có khoảng 1.200 trẻ em khuyết tật; trên 2.000 trẻ em mồ côi; Trẻ em bị nhiễm HIV 23 trẻ; nhiễm chất độc hoá học 10 trẻ, toàn tỉnh Lạng Sơn có 03 Trung tâm chăm sóc trẻ em có HCĐBKK, trong đó có 01 trung tâm công lập là Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh và 02 Trung tâm bảo trợ ngoài công lập là Trung tâm Hy Vọng Lộc Bình và Mái ấm tình thương thuộc huyện Tràng Định....

Năm 2014, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và ưu tiên tạo điều kiện để công tác chăm sóc trẻ em, người già, người khuyết tật tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các Sở, ban ngành, các cấp chính quyền cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp cụ thể của các nội dung, kế hoạch đã đề ra, bao gồm một số biện pháp cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với trẻ em có HCĐBKK, tạo phong trào chăm sóc trẻ em có HCĐBKK tại cộng đồng, đặc biệt tại những vùng có đông đối tượng, vùng cao, vùng sâu; Tuyên truyền vận động một cách sâu rộng có chất lượng về công tác truyền thông đại chúng bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: tuyên truyền trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, tài liệu truyền thông, tờ rơi, tổ chức gặp mặt biểu dương các tập thể cá nhân làm tốt công tác chăm sóc trẻ em có HCĐBKK dựa vào cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mọi người, mọi ngành về công tác chăm sóc trẻ em có HCĐBKK tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội, đặc biệt là các bậc cha mẹ đối với nhu cầu và quyền trẻ em; Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện can thiệp sớm và chăm sóc trẻ em có HCĐBKK dựa vào cộng đồng; Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong việc hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để chăm sóc trẻ em có HCĐBKK dựa vào cộng đồng; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác chăm sóc trẻ em có HCĐBKK; Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, biểu dương khen thưởng các tập thể và cá nhân làm tốt công tác chăm sóc trẻ em có HCĐBKK tại cộng đồng, từ đó nhân rộng các gương người tốt, việc tốt giúp đỡ trẻ em có HCĐBKK.

 

Đại diện lãnh đạo tỉnh trao tặng quà từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em
cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp Tết thiếu nhi 2014.
(Nguồn: baolangson.vn)
 

Trên cơ sở đó, tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là đơn vị đầu mối có trách nhiệm chủ trì, triển khai thực hiện tổng hợp các chương trình, kế hoạch được giao. Trong đó, phối hợp với Sở Tài Chính, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế tài chính thu phí sử dụng dịch vụ từng đối tượng trình UBND tỉnh phê duyệt; Chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tổ chức thực hiện dịch vụ chăm sóc bán trú tại Trung tâm, nội dung bao gồm phục hồi chức năng, can thiệp sớm, bao gồm: Đánh giá tình trạng ban đầu của trẻ và đánh giá phát triển; Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng phù hợp; Dạy kĩ năng sinh hoạt hàng ngày và chuẩn bị các kĩ năng học đường; Các hoạt động vui chơi và giải trí; Các hoạt động phục hồi chức năng hướng nghiệp và dạy nghề; Tư vấn cha mẹ và cộng đồng; Nhận trẻ đến với các dịch vụ can thiệp từ vài giờ đến bán trú cả ngày.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cũng được giao chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em có HCĐBKK có thời hạn, như việc đưa trẻ em có HCĐBKK đang chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ về cộng đồng thông qua hình thức gia đình hoặc cá nhân nhận nuôi dưỡng, nhận đỡ đầu, nhận làm con nuôi; Khuyến khích thân nhân, họ hàng hoặc người thay thế khác nuôi dưỡng trẻ em có HCĐBKK khi không còn bố mẹ hoặc bố mẹ không thể hoặc không phù hợp để chăm sóc con. Việc bảo vệ, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em được thực hiện tại gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, được sự giám sát của nhân viên công tác xã hội có chuyên môn; Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện xây dựng mô hình cơ sở chăm sóc và trợ giúp trẻ em bị tự kỷ, bị down, bị thiểu năng trí tuệ và một số nhóm đặc biệt khác, bao gồm: Chăm sóc, phục hồi chức năng và giáo dục trẻ em bị tự kỷ, bị down, bị thiểu năng trí tuệ và một số nhóm đặc biệt khác; giúp trẻ hình thành và phát triển những kiến thức, kỹ năng về thể chất và tâm lý để trẻ hòa nhập cộng đồng; Chăm sóc sức khoẻ; hỗ trợ tâm lý và phục hồi chức năng; Giáo dục văn hoá, kỹ năng thể chất và tâm lý, trong đó trú trọng kỹ năng vận động, ngôn ngữ, kỹ năng cá nhân, xã hội đơn giản; Chuẩn bị các kỹ năng học đường; Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, hoà nhập cộng đồng; Xây dựng mô hình học nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có HCĐBKK. Chủ trì, phối hợp Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện hỗ trợ kinh phí cho trẻ em có HCĐBKK trong độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi có nhu cầu học nghề, tìm việc làm ngay tại gia đình, nơi cư trú, tại các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh với những công việc phù hợp với khả năng của trẻ; Hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh dạy nghề gắn với tạo việc làm, tiếp nhận trẻ em có HCĐBKK đến tuổi lao động vào làm việc như: Vay vốn ưu đãi, ưu tiên mặt bằng sản xuất hoặc hỗ trợ chi phí đào tạo nghề. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó nâng cấp, xây mới nhà ở, nhà làm việc, sân chơi, trang thiết bị y tế, giáo dục; hệ thống xử lý chất thải, rác thải ... nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng hiệu quả chăm sóc trẻ em có HCĐBKK trong Trung tâm BTXH tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các ngành và các huyện, thành phố thực hiện tổ chức rà soát, thu thập thông tin, phân loại đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch thực hiện ở cơ sở đồng thời phục vụ yêu cầu chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát đánh giá đề án; Hoàn thiện hệ thống máy tính tại cơ sở bảo trợ xã hội và các huyện, xã; Thiết lập hệ thống theo dõi và quản lý dữ liệu về trẻ em có HCĐBKK; Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ đạt được của mục tiêu đề án trong từng năm và cả giai đoạn 2014 - 2020; Đảm bảo việc sử dụng các nguồn lực thực hiện đề án đúng mục tiêu và đúng quy định của nhà nước.

Đối với nguồn kinh phí thực hiện, tỉnh Lạng Sơn sử dụng nguồn kinh phí Trung ương bổ sung có mục tiêu, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; đồng thời, lồng ghép với các chương trình, dự án khác có liên quan để thực hiện. Trong đó, tổng kinh phí dự kiến thực hiện dự kiến 60 tỷ đồng, dự kiến chia theo các giai đoạn cụ thể như sau: Năm 2014 là 28 tỷ đồng; năm 2015 là gần 22 tỷ đồng; Giai đoạn 2016 - 2020 là 10 tỷ đồng...

Trên cơ sở các yêu cầu nhiệm vụ được giao, tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các Sở, ban ngành, các cấp chính quyền cơ sở trong tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng chương trình cụ thể để tổ chức thực hiện; đồng thời, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các đơn vị thực hiện, tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (thông qua Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em) nhằm thực hiện có hiệu quả những kế hoạch, chương trình đề ra./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực