Nâng cao chất và lượng đội ngũ công tác xã hội trong bệnh viện

Thứ năm, 25/09/2014 15:00

(ĐCSVN) Công tác xã hội (CTXH) là nghề tuy còn khá mới mẻ ở nước ta, nhưng đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong các lĩnh vực xã hội. Đặc biệt, đối với ngành Y tế, hoạt động CTXH dù ra đời chưa lâu nhưng đã góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của người dân. Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, cần thiết phải có một đội ngũ nhân viên công tác xã hội (NVCTXH) hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả tại các bệnh viện.

Những bữa cơm, bữa cháo đầy nghĩa tình đã phần nào giúp gia đình người bệnh
 vượt qua giai đoạn khó khăn. (Ảnh: nhp.org.vn)


Những kết quả bước đầu của Nghề Công tác xã hội trong các bệnh viện

Tại các bệnh viện, NVCTXH đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nh
ư bệnh ung thư hoặc nhóm yếu thế (trẻ em, vị thành niên, phụ nữ, người già…) và hỗ trợ sau điều trị cho bệnh nhân. Chức năng của NVCTXH tại bệnh viện là giúp các bệnh nhân và gia đình họ hiểu một căn bệnh cụ thể, chẩn đoán và khuyên nhủ về các quyết định cần thiết. Họ cũng là thành viên quan trọng của nhóm điều trị, làm việc cùng bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên y tế khác; giúp những nhà cung cấp dịch vụ y tế hiểu hơn về các khía cạnh xã hội và tình cảm của người bệnh.

Những năm gần đây, tại một số bệnh viện tuyến Trung ương đã triển khai hoạt động CTXH với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ thầy thuốc trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, hỗ trợ chăm sóc cho người bệnh… góp phần làm giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh. Một số mô hình tổ chức của hoạt động CTXH trong bệnh viện và tại cộng đồng cũng đã được hình thành trong thực tiễn như: phòng CTXH, phòng Chăm sóc khách hàng, tổ Từ thiện xã hội… thuộc bệnh viện hay nhóm CTXH tham gia hỗ trợ người có HIV/AIDS, bệnh nhân tâm thần, giúp phục hồi chức năng tại xã/phường…

Điển hình như, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong năm 2013, đội CTXH đã vận động sự tham gia ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giúp đỡ bệnh nhi hàng chục tỷ đồng; trong đó đã hỗ trợ 80 ngàn suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân, hỗ trợ suất ăn cho bệnh nhân đặc biệt khó khăn trong quá trình điều trị tại bệnh viện; vận động và hỗ trợ kinh phí điều trị cho hơn 2.200 bệnh nhi với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng... Tại bệnh viện Chợ Rẫy – một trong những bệnh viện có số lượng bệnh nhân đến khám đông nhất ở TP. Hồ Chí Minh, đội hình CTXH trực thuộc Trung tâm CTXH Thanh niên Thành phố cũng đang hoạt động khá hiệu quả với chức năng hỗ trợ hướng dẫn bệnh nhân Khoa Khám bệnh ngoại trú; hỗ trợ tư vấn tâm lý; tặng vé xe buýt; mang âm nhạc đến bệnh viện;… Đội CTXH Bệnh viện Nhân dân 115 đã giúp cho người bệnh hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh, hỗ trợ tốt hơn thủ tục quy trình khám, chữa bệnh, các dịch vụ cận lâm sàng... Ban CTXH của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương với những việc làm mang ý nghĩa thiết thực, bước đầu có hiệu quả như: chắp nối nhu cầu của những bệnh nhân nghèo tới các nhà hảo tâm; tư vấn tâm lý, giải tỏa bức xúc, mâu thuẫn và buồn đau của bệnh nhân; phát động một số phong trào có ý nghĩa như: “Mỗi tháng rèn một việc”, “Mỗi người làm một việc tốt vì sự sống của người bệnh”, “Nói lời cảm ơn người bệnh”…

Tuy nhiên, nghề Công tác xã hội trong các bệnh viện vẫn còn thiếu và yếu

Đó là nhận xét chung của các chuyên gia y tế về hoạt động của đội ngũ nhân viên làm CTXH tại các bệnh viện. Được biết, hiện ở cả 3 cấp độ hoạt động của ngành y tế (tại cộng đồng, trong bệnh viện và ở cấp hoạch định chính sách) đều thiếu hoặc ít có sự tham gia của CTXH.

Theo thống kê, hiện cả nước có 1.107 bệnh viện với 282.281 giường bệnh; trong đó, có 42 bệnh viện tuyến Trung ương với 21.927 giường bệnh; 348 bệnh viện tuyến tỉnh với 199.342 giường bệnh; 615 bệnh viện huyện với 5.822 giường bệnh; 102 bệnh viện ngoài công lập với 5.822 giường bệnh. Vậy để có thể hình thành một mạng lưới CTXH tại tất cả các bệnh viện trong cả nước sẽ cần đến hàng nghìn nhân viên làm CTXH.

Ths. Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết, hoạt động CTXH hầu như chỉ mang tính tự phát, chưa được điều chỉnh bởi các văn bản mang tính pháp lý. Đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động chủ yếu mới chỉ có nhiệt huyết và kinh nghiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng nên thường thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động chưa được như mong đợi. Một số bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện ở các tỉnh phía Nam có duy trì một số hoạt động xã hội mang tính từ thiện, tự phát do các cá nhân hoặc tổ chức tự nguyện tham gia nhưng còn thiếu tính chuyên nghiệp, chỉ hỗ trợ bệnh nhân giải quyết một số nhu cầu bức thiết như bếp ăn từ thiện, gây quỹ từ thiện… Trong khi đó, tại hầu hết các bệnh viện của cả nước, nhất là các bệnh viện tuyến trên thường xuyên ở trong tình trạng quá tải. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như tư vấn về phác đồ điều trị, tư vấn cách phòng ngừa, trấn an tinh thần cho người bệnh… Hậu quả là đã làm nảy sinh nhiều vấn nạn ở các bệnh viện như “cò bệnh viện”, sự không bằng lòng của người bệnh đối với các cơ sở y tế, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc…

Còn tại cộng đồng, nhiều chương trình mục tiêu y tế quốc gia đang triển khai rất cần có sự tham gia của nhân viên CTXH, đặc biệt là các chương trình liên quan đến những nhóm xã hội đặc thù như nhóm người nhiễm HIV, bệnh nhân tâm thần... Nhưng tại tuyến xã/phường, từ trước đến nay, các chương trình này thường do nhân viên y tế thôn bản và các cán bộ đoàn thể đảm nhận theo tinh thần tự nguyện, chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Đối với cấp hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe, sự tham gia của CTXH cũng còn rất hạn chế.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, có thể thấy nhu cầu sử dụng đội ngũ nhân viên CTXH của ngành Y tế hiện nay là rất lớn và rất cần thiết ở mọi cấp độ song cần phải căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực để xác định lĩnh vực ưu tiên, lộ trình phát triển sao cho phù hợp./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực